Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiến đất làm đường - nghĩa cử đẹp của đồng bào Bru- Vân Kiều

Phạm Tiến - 10:27, 23/11/2023

Những mảnh đất đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, nhưng, khi chính quyền chủ trương mở đường, hay xây dựng các công trình dân sinh..., nhiều hộ dân người Bru-Vân Kiều ở xã biên giới Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) vẫn sẵn sàng hiến đất vì sự phát triển của địa phương, lợi ích chung của cộng đồng.

(Bài kế hoạch 21/9)Quảng Bình: Nhiều hộ đồng bào Bru- Vân Kiều hiến đất làm đường
Ông Hoàng Trọng Đức- Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết: Hiện toàn tuyến đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và đắp nền đường

Trường Sơn là xã biên giới nằm ở phía Tây của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình - địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Xã có 4 thôn và 15 bản, có 2 dân tộc anh em cùng sinh sống là dân tộc Kinh và dân tộc Bru – Vân Kiều. Trong đó, đồng bào Bru – Vân Kiều chiếm hơn 60%, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của bà con Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, bà con ở nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nương rẫy, trồng trọt, chăn nuôi. 

Những năm gần đây, nhiều chương trình, dự án chính sách dân tộc như: 134; 135; 30a, các Chương trình mục tiêu Quốc gia: xây dựng Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững, gần nhất, là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đầu tư trên địa bàn... đã và đang tác động tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo ở xã vùng biên Trường Sơn, đặc biệt là đời sống của đồng bào được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) chia sẻ thì, kết quả này sẽ không thành công, nếu như không có sự nỗ lực vươn lên, nhất là việc chung tay của người dân bằng những hành động như hiến đất, góp công…để địa phương đầu tư xây dựng làm được nhiều công trình phúc lợi dân sinh

Chủ tịch xã Hoàng Đức Trọng nêu ví dụ, để thông tuyến đường liên bản từ thôn Long Sơn đến bản Thượng Sơn ở xã biên giới Trường Sơn, đã có nhiều hộ đồng bào Bru-Vân Kiều hiến tổng cộng trên 1.500m2. Đáng quý là tất cả diện tích đất này, là thành quả lao động khai phá hàng chục năm của bà con, đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

(Bài kế hoạch 21/9)Quảng Bình: Nhiều hộ đồng bào Bru- Vân Kiều hiến đất làm đường 1
Hiểu được lợi ích từ làm đường giao thông, anh Hồ Văn Thơm (người mặc áo trắng) đã đồng thuận hiến đất làm đường

Chủ tịch xã Trường Sơn cho biết, tuyến đường liên bản từ thôn Long Sơn đi bản Thượng Sơn có tổng chiều dài trên 1km. Đây là dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2022, với tổng kinh phí giai đoạn 1, là 5 tỷ đồng. Tuy nhiên,  trong quá trình quyết định đầu tư, tuyến đường này không được bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng.

Còn tuyến đường đi qua Đồn Biên phòng Làng Mô, xóm Khe Luông, bản Thượng Sơn đến thôn Liên Xuân thì phần lớn diện tích cần giải phóng mặt bằng để triển khai tuyến đường chủ yếu đi qua đất sản xuất nông nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Là xã biên giới, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, quỹ đất sản xuất ít và có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi gia đình. Thế nhưng, vì mục tiêu chung, “Làm cho bản làng ngày càng giàu đẹp”, nhiều hộ  đồng bào DTTS đã nhường đi một phần đất trồng sắn, trồng ngô nuôi gia đình để đường được thông.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, anh Hồ Thắng (SN 1976) ở bản Thượng Sơn, cho biết: Khi chính quyền địa phương có chủ trương làm đường nông thôn mới đi qua đất nhà tôi, tôi lo lắng vì mảnh đất đó là nơi gia đình tôi trồng khoai và sắn để kiếm sống. Thế nhưng, khi được cán bộ đến nhà thông tin về ý nghĩa, mục đích của công trình, cũng vì thiếu con đường mà bao đời nay, cuộc sống của người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, tôi đã hiểu được lợi ích của việc làm đường nên đồng ý hiến gần 900m2 đất.

(Bài kế hoạch 21/9)Quảng Bình: Nhiều hộ đồng bào Bru- Vân Kiều hiến đất làm đường 2
Anh Hồ Thắng ở bản Thượng Sơn chỉ phần đất mà gia đình đã hiến để làm đường

Tương tự, khi cắm mốc là đường liên bản từ thôn Long Sơn đi bản Thượng Sơn, một phần diện tích đất sản xuất của gia đình anh Hồ Văn Thơm cùng ở bản Thượng Sơn cần được giải tỏa. Hiểu được cái lợi của việc mở đường, anh Hồ Văn Thơm đã bàn với các thành viên trong gia đình thống nhất hiến 600m2 để làm đường.

"Dù gia đình còn nghèo khó lắm nhưng tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm với dân bản mình. Đường làm xong rồi tôi và dân bản đi nên mình hiến đất là đem lại lợi ích cho chính gia đình mình, cho bà con trong bản, trong xã", anh Hồ Thơm chia sẻ.

Để ghi nhận những đóng góp của bà con, Đảng ủy, UBND xã Trường Sơn, đã biểu dương những hộ gia đình tham gia hiến đất làm đường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã lên phương án ổn định chỗ ở, hỗ trợ để những gia đình hiến đất phát triển thêm sinh kế để ổn định cuộc sống.

Cùng với những tấm gương điển hình hiến đất làm đường như gia đình anh Hồ Thắng và Hồ Văn Thơm… đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình) cũng đi đầu thực hiện nhiều Dự án trong Chương trình MTQG 1719. 

Tiêu biểu, Trường Sơn được chọn là địa phương làm điểm trong triển khai Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.). Chị em phụ nữ người Bru-Vân Kiều đã đi đầu thành lập các câu lạc bộ truyền thông cộng đồng để hướng tới mục tiêu xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…..

Nhiều công trình từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 như: Nhà văn hóa bản Đá Chát (1,8 tỷ); Nhà văn hóa bản Thượng Sơn (1,8 tỷ); Nhà Văn hóa bản Sắt (500 triệu); Đường nội bản Bến Đường (800 triệu); Đường bản Hồi Rấy (1, 6 tỷ)…đã và đang làm cho bộ mặt thôn bản ở Trường Sơn ngày càng khởi sắc. 

Bên cạnh đó, những mô hình sinh kế như hỗ trợ 30 bò cho bà con Bru-Vân Kiều ở các bản Đá Chát, Bến Đường; hỗ trợ dê ở bản bản Ploang và bản Rình Rình….đã và đang giúp đồng bào Bru-Vân Kiều phát triển toàn diện.