Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hậu Giang: Tập trung nguồn lực "an cư lạc nghiệp" cho đồng bào DTTS

Hồng Diễm - Song Vy - 21:17, 16/05/2023

Đồng bào DTTS ở Hậu Giang có khoảng 31.000 người, chiếm tỷ lệ 4,32% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là đồng bào Khmer. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, địa phương luôn xác định công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi, nâng cao mức sống của người dân vùng đồng bào DTTS. Vì thế, thời gian qua Hậu Giang đã tập trung nhiều nguồn lực, tích hợp các chính sách nhằm triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Luyến ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành (mặc áo màu vàng) trong ngày nhận nhà mới
Chị Nguyễn Thị Luyến ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành (mặc áo màu vàng) trong ngày nhận nhà mới

Nhà nước lo nhà, mình lo xây tổ ấm

Trong những năm qua việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Tỉnh đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án để tạo sinh kế, hỗ trợ làm nhà ở cho người dân nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách về kinh tế, xã hội giữa thành thị và nông thôn. 

Mới đây, có dịp trở lại ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A vào Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây năm 2023, chúng tôi đến thăm gia đình ông Thạch Luận, chứng kiến gia đình trong niềm vui hân hoan đón Tết cổ truyền trong căn nhà mới khang trang. Ông Luận cho biết, năm 2022 được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở kiên cố thay cho căn nhà dột nát trước đây. “Khi được Nhà nước hỗ trợ tiền, gia đình tôi đã góp thêm gần 20 triệu đồng để xây căn nhà mới, chúng tôi vui lắm, giờ yên tâm, tập trung làm ăn để có cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn. 

Chuyện có được ngôi nhà ở tránh mưa, tránh nắng của nhiều hộ đồng bào DTTS ở Hậu Giang, bây giờ không còn là niềm mơ ước nữa, mà đã dần trở thành hiện thực. Các hộ đều được xét cấp theo định mức làm mới, hoặc sửa chữa nhà ở.

Chị Nguyễn Thị Luyến ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành làm nghề mua bán phế liệu, căn nhà gia đình chị nhiều năm bị xuống cấp, dột nát nhưng không đủ tiền để sửa chữa. Mặt trận xã Đông Phú trích 50 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” cất nhà đại đoàn kết tặng gia đình chị Luyến.

 Sau khi được bàn giao căn nhà mới, các con chị Luyến có chỗ ở vệ sinh, sạch sẽ và khang trang hơn. Chị cũng yên tâm làm việc, tìm hướng phát triển kinh tế gia đình: “Sau những buổi làm việc mệt nhọc, về đến nhà được nghe tiếng các con học bài, được ngả lưng trong căn nhà mới, không còn lo những lúc trời mưa, trời nắng khiến tôi quên hết mỏi mệt. Từ hồi có nhà mới vợ chồng, con cái ai cũng phấn khởi, động viên nhau cùng tích cực học tập, lao động. Mình nghĩ Nhà nước lo cho mình cái nhà để ở, mình phải biết vun vén, xây dựng tổ ấm”, chị Luyến chia sẻ. 

Nhiều mô hình sinh kế được triển khai tại huyện Long Mỹ ( Hậu Giang)
Nhiều mô hình sinh kế được triển khai tại huyện Long Mỹ ( Hậu Giang)

Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả

Theo ông Ký Hiếu Thanh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, khi hộ nghèo đã có nhà ở kiên cố, bước tiếp theo là phải tính chuyện tạo sinh kế, rồi hỗ trợ vốn để bà phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài. Thời gian qua, đã có nhiều hộ thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá giả.

Gia đình ông Thạch Phol, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn là một ví dụ. Sau khi có nhà ở ổn định, nhưng thiếu vốn để sản xuất, nên muốn làm gì cũng khó. “Năm 2018, gia đình ông được vay 50 triệu đồng để đầu tư nuôi gà, mua bán nhỏ. Cứ gà xuất chuồng, thì ông đầu tư thêm vào hàng hóa. "Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến nay gia đình tôi đã có cửa hàng tạp hóa với đầy đủ các mặt hàng. Sau dịch Covid-19 năm 2021, tôi quyết định xây mới căn nhà hơn 200 triệu và sắm nhiều phương tiện, trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Tất cả những gì có được ngày hôm nay, là nhờ sự quan tâm của Nhà nước đã hỗ trợ kịp thời cho gia đình tôi”, ông Thạch Phol chia sẻ. 

Không chỉ ở Châu Thành A, tại huyện Long Mỹ, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, Mặt trận Tổ quốc huyện cũng đã thực hiện các mô hình như: Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho hội viên nông dân nghèo, cận nghèo ở xã Vĩnh Viễn A; Hỗ trợ vốn khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên nghèo, cận nghèo; Giảm nghèo 2 trong 1 cho đồng bào dDTTS ở xã Lương Nghĩa…

Trong khoảng 2 năm gần đây, Mặt trận Tổ quốc huyện Long Mỹ phối hợp thực hiện 11 mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân, qua đó giúp vốn cho 164 hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế gia đình, tổng nguồn vốn hỗ trợ gần 1 tỉ đồng trích từ Quỹ “Vì người nghèo” của huyện và các xã, thị trấn. Bên cạnh đó các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào Khmer đều được hỗ trợ vay vốn, với số tiền 10 triệu đồng không tính lãi suất, thời gian hoàn vốn trong 24 tháng nhằm giúp các hộ làm ăn buôn bán nhỏ, từng bước phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo.

Khi được hỗ trợ vay nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ đồng bào DTTS có cơ hội mở rộng mô hình sản xuất
Khi được hỗ trợ vay nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ đồng bào DTTS có cơ hội mở rộng mô hình sản xuất

Theo ông Ký Hiếu Thanh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, trong năm 2023, Ban sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS nhất là chính sách chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới,… Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vùng DTTS; có chính sách quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân sĩ, trí thức dân tộc, sinh viên dân tộc, nhất là sinh viên hệ cử tuyển để tạo nguồn cán bộ dân tộc vùng DTTS.

Tập trung chỉ đạo các đơn vị, các địa phương triển khai các Dự án, tiểu Dự án của các Chương trình MTQG đúng theo tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình mang tính đột phá của địa phương, nhằm giải quyết cơ bản những khó khăn tại các huyện có các chương trình dự án được đầu tư.