Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

PV - 11:15, 26/03/2019

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Việt Nam hiện là nước đứng thứ 15 trong tổng số 30 quốc gia có số người mắc lao cao và bệnh lao kháng thuốc. Chương trình phòng chống lao đã được triển khai ở nước ta từ năm 1993, với nhiều nỗ lực từ Trung ương đến địa phương, nhiều bệnh nhân lao nhờ được phát hiện sớm, điều trị kịp thời đã góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng, chống lao.

Bệnh lao ở Việt Nam đã giảm trung bình 3,8% một năm. Bệnh lao ở Việt Nam đã giảm trung bình 3,8% một năm.

Phòng chống lao từ cơ sở

Yên Bái là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác phòng, chống bệnh lao. Thời gian qua, mạng lưới phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh Yên Bái thường xuyên được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến các xã, thôn bản. Các hoạt động phòng, chống lao đã được các tổ chức đoàn thể tích cực vào cuộc và triển khai ở tất cả các tuyến y tế, góp phần nâng cao hiểu biết về bệnh lao cho Nhân dân, qua đó phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh lao để điều trị kịp thời.

Trường hợp của ông Nguyễn Đức Thiết ở xã Văn Tiến (TP. Yên Bái) trước đây từng có triệu chứng ho kéo dài, đau ngực, khó thở, gầy sút cân. Được cán bộ y tế xã tuyên truyền, ông Thiết biết được đó là biểu hiện của bệnh lao. Ông đã đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh để khám và chữa trị. Sau giai đoạn điều trị tại Viện, ông được hướng dẫn dùng thuốc tại nhà theo phác đồ với sự đồng hành của cán bộ Trạm Y tế xã. Sau 6 tháng điều trị, ông Thiết đã khỏi bệnh hoàn toàn.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền nâng cao nhận kiến thức cho người dân về bệnh lao và giúp người bệnh được tiếp cận sử dụng dịch vụ y tế tốt nhất được cán bộ y tế từ tuyến tỉnh Yên Bái đến cơ sở thực hiện tốt. Y sĩ Phạm Quốc Thịnh, Phó trạm Y tế xã Văn Tiến cho biết, cán bộ y tế xã thường xuyên thông qua những buổi họp thôn, tuyên truyền, phổ biến đến người dân những kiến thức về bệnh lao, cách nhận biết và phòng tránh.

Những năm qua, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Yên Bái đã làm tốt công tác chỉ đạo tuyến và tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống bệnh lao và các bệnh về phổi tại cơ sở. Công tác phòng, chống lao được duy trì thường xuyên tại 100% huyện, xã trên địa bàn; mạng lưới chống lao liên tục phát triển; các chỉ số hoạt động phòng, chống lao của tỉnh đều được Chương trình chống lao quốc gia đánh giá cao.

Cùng đó, Bệnh viện đã làm tốt công tác khám và điều trị tại viện. Vì vậy, năm 2018, đã khám cho 3.235 lượt người, điều trị nội trú cho 1.928 người, 380 ca sử dụng kỹ thuật mới xét nghiệm Gene Xpert.

Cán bộ y tế tăng cường công tác tuyên truyền, phòng chống bệnh lao tại vùng DTTS. Cán bộ y tế tăng cường công tác tuyên truyền, phòng chống bệnh lao tại vùng DTTS.

Hành động để chấm dứt bệnh lao

Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nước được đánh giá có nhiều nỗ lực và hiệu quả hàng đầu về công tác phòng, chống lao, nhưng hằng năm vẫn có tới 120 nghìn người nhiễm lao mới, 12 nghìn người chết vì bệnh lao. Tỷ lệ phát hiện lao trên thế giới là 61%, ở Việt Nam là 81%.

Những kết quả của công tác phòng, chống lao ở Việt Nam từ trước đến nay rất đáng khích lệ. Trong 10 năm qua, dựa trên 2 lần nghiên cứu điều tra toàn quốc và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% một năm.

Một hệ thống phát hiện, điều trị bệnh nhân lao đã được hình thành với sự tham gia của ngành Y tế, sự vào cuộc của cộng đồng, các tổ chức xã hội. Sự chuyển biến nhận thức của cả cộng đồng đối với người mắc bệnh lao đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và hỗ trợ người bệnh lao chiến thắng bệnh tật.

Để có thể chấm dứt bệnh lao ở nước ta, mới đây, Bộ Y tế, Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 và phát động Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Với chủ đề “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030” nêu rõ định hướng, mục tiêu cụ thể là cơ bản chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, tức là với dân số 100 triệu người, thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao một năm (hiện nay hằng năm ước tính Việt Nam vẫn có 124.000 người mắc lao mới).

Để Việt Nam sớm hoàn thành sứ mệnh phòng, chống lao, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung công tác phòng, chống lao vào Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

HOÀNG QUÝ