Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hàng trăm căn nhà bị lún nứt, dân sống bất an!

PV - 10:28, 21/11/2018

Theo phản ánh của người dân trên địa bàn xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, do việc thi công hệ thống kênh chính thuộc hợp phần kênh Bắc sông Chu-Nam sông Mã khiến nhiều nhà bị lún nứt. Người dân đang phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, khi phải sống trong những ngôi nhà có thể sập bất cứ lúc nào.

Căn nhà của ông Nguyễn Hữu Tư, thôn Liên Cơ 1, xã Ngọc Ấn chỉ cách kênh có vài chục mét, dù mới được xây dựng năm 2015 với tổng số tiền là 550 triệu đồng, nhưng nay đã bị nứt toác, vết lớn nhất rộng 20cm, phần móng nhà cũng bị lún và nứt gãy nhiều vị trí, khiến gia đình ông luôn sống trong sợ hãi. Hiện ông Tư mong muốn, sớm được đền bù để tái định cư đến nơi ở mới an toàn.

Việc thi công kênh Bắc sông Chu-Nam sông Mã đã hoàn thành nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được bồi thường. Việc thi công kênh Bắc sông Chu-Nam sông Mã đã hoàn thành nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được bồi thường.

Tại thôn Liên Cơ 3, xã Nguyện Ấn, nhiều người dân bức xúc cho biết: từ khi nhà thầu nổ mìn để thi công dự án, cuộc sống của họ không chỉ rơi vào cảnh lo sợ nhà sập, mà còn phải khổ sở vì nguồn nước sinh hoạt từ các giếng khoan bỗng nhiên bị mất.

Từ số liệu thống kê của xã Nguyệt Ấn: hiện nay cả xã có hơn 400 giếng khoan của các hộ dân bị mất nguồn nước sinh hoạt. Trong đó, có khoảng 300 giếng bị mất nước hoàn toàn. Nhiều gia đình đã phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng mới tìm nguồn nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Hữu Thuận, Trưởng thôn Liên Cơ 3 cho biết: từ cuối năm 2017, đơn vị thi công đã rút toàn bộ máy móc khỏi địa phương, còn công trình thì đã được đưa vào sử dụng đầu năm 2018. Tuy nhiên, kể từ đó, các hiện tượng lún, nứt gãy bắt đầu xuất hiện ngày càng nghiêm trọng. Sau khi người dân phản ảnh, thôn cũng đã gửi đơn lên xã, huyện nhiều lần rồi, các đoàn cũng đã về kiểm kê thiệt hại tài sản, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đền bù. “Hiện nay, nhà nào hư hỏng sạt ngói, nứt tường, nứt dầm, nền móng, mất nước đều phải tự sửa chữa chứ biết kêu ai”, ông Thuận bức xúc.

Thông tin về thực trạng này, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Ấn cho biết: Xã cũng đã làm nhiều văn bản gửi đến các cơ quan chức năng, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các đoàn về làm việc với xã và các hộ dân để giải quyết, nhưng do các bên vẫn chưa thống nhất được đơn giá bồi thường nên tình trạng này kéo dài.

Theo ông Phó Chủ tịch xã, dự án hợp phần kênh Bắc sông Chu-Nam sông Mã (thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt), do Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 (thuộc Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư. Tuyến kênh dài hơn 7km, tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng, khởi công vào năm 2011, đến nay cơ bản hoàn thành các tuyến chính. Công trình có chức năng cung cấp nước tưới cho hơn 31.000ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho nhiều địa phương ở tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công kênh đoạn chảy qua xã Nguyệt Ấn, việc nổ mìn phá đá dưới lòng đất khiến rung lắc, gây nứt nhà, mất nước sinh hoạt, đá bay vào nhà gây hư hỏng nhà dân.

Sự việc này, vào cuối năm 2017, đã được ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa trực tiếp đến kiểm tra. Qua thực tế, ông Quyền yêu cầu, sau khi gói thầu XD22 hoàn thành sẽ tiến hành đánh giá mức độ, phạm vi thiệt hại và bồi thường thỏa đáng, công khai đến từng hộ dân bị thiệt hại; đảm bảo người dân được bồi thường, khắc phục thiệt hại sớm trở về trạng thái ban đầu.

Tuy nhiên, đã gần một năm trôi qua, công tác bồi thường thiệt hại của người dân vẫn chưa được thực hiện. Theo phản ánh của người dân, việc đền bù những thiệt hại là không thỏa đáng. Trong khi số hộ thiệt hại là gần 350 nhà nhưng đơn vị liên quan mới thực hiện đền bù cho 3 hộ, với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng.

Ông Phạm Công Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc thông tin: Tính đến tháng 10/2018, ngoài 3 hộ dân đã được nhận tiền đền bù để di dời đến nơi ở khác an toàn, thì toàn xã Nguyệt Ấn còn 349 nhà dân bị rạn nứt, hư hỏng. Trong đó, có 27 nhà thuộc diện cảnh báo nguy hiểm, nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ, đền bù, mặc dù công tác kiểm kê đã hoàn thành từ tháng 3/2018, với tổng dự toán chi để giải quyết các vấn đề trên là khoảng 58 tỷ đồng.

“Vấn đề này đang được chủ đầu tư trình các đơn vị liên quan để xem xét, quyết định nên chúng tôi vẫn phải chờ. Giải pháp trước mắt của huyện để đảm bảo an toàn cho các hộ dân có nhà bị nứt là, khuyến cáo người dân không nên ở trong các ngôi nhà có nguy cơ bị sập, nhất là vào mùa mưa”,  ông Phạm Công Cúc nói.

QUỲNH TRÂM