Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hàng loạt quốc gia dỡ bỏ hạn chế phòng dịch, "Omicron tàng hình" lây lan nhanh hơn biến thể gốc

PV - 09:05, 18/02/2022

Đến sáng 18/2, thế giới có trên 419,56 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,87 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.


Hơn 419,56 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Hơn 419,56 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch  COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 79,85 triệu ca mắc và hơn 953.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 42.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ thông báo, trong tháng 8 tới, hãng có thể sẽ ra mắt loại vaccine đặc hiệu phòng ngừa  biến thể Omicron. Loại vaccine này sẽ được dùng để tiêm mũi tăng cường. Hiện Moderna đang thu thập dữ liệu để so sánh hiệu quả của mũi tăng cường bằng vaccine đặc hiệu với mũi thứ ba bằng phiên bản vaccine hiện có. Tháng 1/2022, Moderna đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đối với loại vaccine được bào chế đặc biệt để ngừa biến thể Omicron. Hiện vaccine phòng COVID-19 của Moderna được cho phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia.

Theo giới chuyên gia Mỹ, người dân không cần làm xét nghiệm sau khi bình phục. Hiện Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đưa ra hướng dẫn về việc nếu một người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, họ cần cách ly tại nhà ít nhất 5 ngày và thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong ít nhất 10 ngày, bất kể tình trạng tiêm chủng như thế nào. Điều này có nghĩa sau 5 ngày, một người không có triệu chứng có thể kết thúc cách ly nếu vẫn đeo khẩu trang khít mặt khi tiếp xúc với những người khác trong 5 ngày nữa. Tuy nhiên, CDC Mỹ không khuyến nghị lặp lại xét nghiệm COVID-19 cho những người đã khỏi bệnh là vì nhiều người có thể tiếp tục cho kết quả dương tính trong nhiều tháng.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 17/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,75 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 510.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 640.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 27,8 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Nhiều nước đang xem xét từng bước dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19. Đây là cách để các nước có thể nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Áo sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế còn lại liên quan đến đại dịch COVID-19 vào ngày 5/3 tới, bao gồm việc bỏ yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa trước nửa đêm và cho phép các câu lạc bộ đêm mở cửa trở lại. Dù xem xét dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhưng Áo là nước đầu tiên tại Liên minh châu Âu ban hành luật yêu cầu tiêm vaccine COVID-19 bắt buộc. Luật dự kiến sẽ có hiệu lúc chính thức từ ngày 15/3.

Sau Áo, Thụy Sĩ trở thành quốc gia tiếp theo ở châu Âu thông báo dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19. Theo đó, từ ngày 17/2, Thụy Sĩ sẽ hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và trình các giấy chứng nhận liên quan đến COVID-19 tại các cửa hàng, nhà hàng, địa điểm văn hóa, nơi công cộng và tại các sự kiện. Ngoài ra, Thụy Sĩ không còn yêu cầu trình giấy chứng nhận tiêm chủng, khỏi bệnh COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính đối với du khách nhập cảnh nước này.

Israel dự định từ ngày 1/3 tới sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát phòng dịch COVID-19, vốn được áp dụng từ cuối năm 2021 để đối phó với biến thể Omicron. Các biện pháp đầu tiên sẽ là mở cửa đối với du khách nước ngoài, kể cả trẻ em, đối tượng hiện vẫn chưa được cấp phép nhập cảnh do vướng các quy định về tiêm chủng vaccine. Sau đó, các biện pháp hạn chế theo "Thẻ Xanh" cũng sẽ được bãi bỏ.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, nước này sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các địa phương ở nước này, đã đi qua "đỉnh" của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron. Lộ trình nới lỏng phòng dịch COVID-19 được Đức đưa ra gồm 3 bước.

Đức là một trong số nước áp đặt những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt nhất châu Âu. Đến nay, Đức ghi nhận trên 12,9 triệu ca mắc và hơn 121.000 người tử vong vì COVID-19.

Chính phủ Anh cho biết, trẻ em từ 5-11 tuổi ở vùng England sẽ được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 liều thấp. Trước đó, chỉ những trẻ em ở nhóm tuổi này mắc bệnh nền, có nguy cơ cao khi mắc COVID-19 mới đủ điều kiện tiêm chủng ở vùng England.

Bộ trưởng Y tế Anh cho biết, việc triển khai sẽ "không khẩn cấp" và dựa trên quyết định của các bậc phụ huynh. Tổng cộng sẽ có khoảng 6 triệu trẻ em trong nhóm tuổi này ở Anh được tiêm 2 mũi vaccine của Pfizer-BioNTech với liều lượng 10 microgram nếu nhận được sự đồng ý từ cha mẹ. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm ít nhất là 12 tuần.

Australia ngày 17/2 đã cấp phép tạm thời sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna cho trẻ từ 6 tuổi trở lên. Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ em từ 6 đến 11 tuổi tại nước này có thể tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 của Moderna cách nhau 28 ngày với liều lượng là 0,25ml, tức là chỉ bằng một nửa liều lượng của trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Quyết định này được đưa ra dựa trên việc cân nhắc kết quả thử nghiệm vaccine này đối với 4.000 trẻ em từ 6 đến 11 tuổi tại Mỹ và Canada. Như vậy, tại Australia, trẻ em từ 6 tuổi trở lên đã có thể tiêm 2 loại vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna

Singapore sẽ mở rộng chương trình du lịch miễn cách ly và bổ sung thêm các điểm đến trong khuôn khổ chương trình này. Theo Bộ Y tế Singapore, nước này sẽ mở rộng chương trình này tới Hong Kong (Trung Quốc), Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Đồng thời, Singapore khôi phục và tăng số người được phép tham gia Chương trình Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine vốn đã giảm quy mô từ tháng 12/2021 để đối phó với biến thể Omicron. Bên cạnh đó, Singapore cũng sẽ điều chỉnh phù hợp các biện pháp kiểm soát biên giới và tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn cho người nước ngoài có thẻ cư trú dài hạn.

Bộ Y tế Indonesia cho biết sẽ mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ y tế từ xa miễn phí dành cho các bệnh nhân COVID-19 đang tự cách ly tại nhà bên ngoài hai hòn đảo Java và Bali đông dân kể từ ngày 19/2 tới. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Setiaji, Giám đốc Văn phòng chuyển đổi số thuộc Bộ Y tế Indonesia, cho biết, quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh tại các đảo Sumatra, Kalimantan và Sulawesi.

Số ca mắc mới trong 2 ngày qua ở Indonesia đã vượt mức kỷ lục cũ 56.757 ca được ghi nhận vào ngày 15/7/2021. (Ảnh: AP)
Số ca mắc mới trong 2 ngày qua ở Indonesia đã vượt mức kỷ lục cũ 56.757 ca được ghi nhận vào ngày 15/7/2021. (Ảnh: AP)

Quan chức này tiết lộ nỗ lực mở rộng phạm vi bao phủ dịch vụ chăm sóc y tế từ xa sẽ bắt đầu tại Medan và Palembang trên đảo Sumatra; Balikpapan và Banjarmasin trên đảo Kalimantan; Manado và Makassar trên đảo Sulawesi.

Indonesia đã ghi nhận 64.718 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 16/2, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 3/2020. Ngày 17/2, nước này báo cáo 63.956 người nhiễm mới. Lực lượng đặc trách chống COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia cho biết, con số này vượt qua mức kỷ lục cũ 56.757 ca được ghi nhận vào ngày 15/7/2021 trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai do biến thể Delta gây ra.

Tính đến ngày 17/2, Indonesia đã xác nhận tổng cộng trên 5,03 triệu ca mắc COVID-19 và 145.828 người thiệt mạng. Nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19, Tổng thống Joko Widodo đã kêu gọi người dân giữ bình tĩnh và duy trì kỷ luật trong việc thực hiện các quy định y tế của Chính phủ, đồng thời giảm các hoạt động không cần thiết.

Các nhà khoa học Nhật Bản mới đây đã phát hiện virus SARS-CoV-2 gây ra tình trạng lão hóa các tế bào trong cơ thể con người ở giai đoạn khởi phát. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng COVID-19 kéo dài. Sau khi tiến hành các cuộc thí nghiệm trên động vật, nhóm nghiên cứu đã khẳng định, những tế bào bị virus SARS-CoV-2 xâm nhập đã làm tăng tình trạng viêm nhiễm gây ra hội chứng COVID kéo dài. Theo đó, các tế bào bị tổn thương ngừng tăng sinh, một cơ chế tồn tại thông thường của tế bào. Thay vào đó, chúng phân tán các chất gây viêm ra xung quanh.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng, cơ chế viêm có thể là lý do khiến các bệnh nhân từng mắc COVID-19 gặp phải tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, đau đầu, rụng tóc và các triệu chứng khác sau khi cơ thể hết virus.

Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp khoản hỗ trợ khoảng 4,5 triệu Yen/giường bệnh cho các cơ sở y tế đảm bảo số giường bệnh cho những bệnh nhân cấp cứu với các triệu trứng nghi ngờ mắc COVID-19. Tốc độ lây nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản bắt đầu có dấu hiệu chậm lại, nhưng số ca nhiễm COVID-19 mới vẫn ở mức cao, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế của Nhật Bản và nhiều trường hợp bệnh nhân cấp cứu có triệu trứng nhiễm COVID-19 gặp khó khăn trong việc tìm được cơ sở tiếp nhận.

Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 5 tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đang diễn biến ngày càng phức tạp, chính quyền đặc khu đã quyết định tiến hành xét nghiệm bắt buộc 3 lần đối với toàn bộ 7,5 triệu dân kể từ đầu tháng 3. Chính quyền Hong Kong sẽ sắp xếp lịch xét nghiệm dựa vào số chứng minh nhân dân (ID) của người dân, lên kế hoạch hoàn thành xét nghiệm cho 7,5 triệu dân trong vòng 1 tuần, thực hiện liên tục trong 3 tuần, nghĩa là mỗi ngày xét nghiệm 1 triệu người và mỗi người sẽ xét nghiệm 3 lần trong 3 tuần.

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 17/2 đã thừa nhận, tình hình dịch bệnh ở thành phố này đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, đồng thời hy vọng người dân bình tĩnh và giữ vững niềm tin. Bà Lâm cho biết, chính quyền đặc khu đang làm mọi cách để tăng cường năng lực xét nghiệm, cách ly, điều trị và tỷ lệ tiêm chủng.

Hong Kong đã thông báo về 6.116 ca mắc mới COVID-19 vào ngày 17/2. Kể từ tháng 1 đến nay, thành phố này đã ghi nhận tổng cộng 16.600 ca mắc mới COVID-19, vượt quá tổng số ca bệnh trong 2 năm qua và thêm 24 người tử vong do virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân COVID-19 chưa được đưa đến bệnh viện hoặc phải nằm ngoài trời trong thời tiết giá lạnh do hệ thống y tế đã quá tải.

Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hiện gây ra tới hơn 50% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Tại nhiều quốc gia, biến thể Omicron gốc (được các nhà khoa học gọi là BA.1) đã khiến số ca mắc COVID-19 tăng cao đột biến, tuy nhiên, "hậu duệ" của BA.1, được gọi là BA.2 hay "Omicron tàng hình" hiện còn lây lan nhanh hơn và được dự báo có thể sớm trở thành phiên bản thống trị của virus SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học đang gấp rút tìm hiểu lý do tại sao "Omicron tàng hình" lại vượt trội hơn so với biến thể gốc. Những nghiên cứu ban đầu cho thấy, "Omicron tàng hình" có thể kéo dài làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gốc gây ra, nhưng không có nhiều khả năng gây ra một làn sóng lây nhiễm mới./.