Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hàm Yên (Tuyên Quang): Phát huy thế mạnh kinh tế lâm nghiệp

Hà Phúc - 22:15, 19/12/2024

Xác định kinh tế rừng đóng vai trò quan trọng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quản lý hiệu quả diện tích đất đồi rừng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển trồng rừng chất lượng cao, rừng gỗ lớn… Từ đó góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Hàm Yên tại đồi keo chất lượng cao.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Hàm Yên kiểm tra đồi keo chất lượng cao

Từ điều kiện tự nhiên, xã hội, đồng thời thực hiện có hiệu quả quyết sách của Chính phủ, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2030. Tại Hàm Yên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định khâu đột phá là “Xây dựng huyện nông thôn mới gắn với phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế”.

Huyện Hàm Yên có nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế lâm nghiệp. Hiện, huyện Hàm Yên có tổng diện tích đất tự nhiên 90.054,61ha. Diện tích có rừng là 61.438,61ha (rừng tự nhiên là 19.114,43ha; rừng trồng 42.324,18ha); Rừng đặc dụng 5.269,85ha; rừng phòng hộ 8.070,94ha; rừng sản xuất 48.097,82ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 58,8%.

Tính đến hiện tại, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tại Hàm Yên là 309.212,5m3 (tăng11,2% KH, tăng17,8% so với năm 2023), quy diện tích 2.600ha (tăng 13% KH, tăng 8,3% so với năm 2023). Huyện tổ chức cấp cây giống và trồng rừng năm 2024 theo Nghị quyết số 03/2021/NQ- HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh đạt kế hoạch đề ra, đã trồng và nghiệm thu xong 1.000,4ha/1.000,4ha và rà soát báo cáo nhu cầu hỗ trợ cây giống lâm nghiệp năm 2025 theo đúng quy định. Chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 602ha, lũy kế 15.221ha; tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ rừng FSC được 5.358,61ha (xã Yên Phú: 1.839,42ha; xã Yên Lâm: 3.519,19ha). Tổng diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện đã được cấp chứng chỉ FSC là 14.548,47ha, trong đó: Tổ chức 4.168,61ha và hộ gia đình 10.379,86ha.

Gia đình ông Hoàng Văn Sóc, thôn Cây Quéo, xã Hùng Đức là một trong những hộ làm giàu từ rừng với gần 12ha. Những năm trở lại đây, giá trị rừng tăng mạnh, gia đình đã có lúc thu hơn 120 triệu đồng/năm từ trồng rừng. Cuộc sống gia đình đã trở nên khấm khá, căn nhà sàn gỗ cũ đã được thay thế bằng ngôi nhà sàn bê tông rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Hiện, thôn Cây Quéo có trên 150ha rừng sản xuất của 51 hộ dân, mỗi năm đem lại 5 - 7 tỷ đồng thu nhập từ gỗ rừng trồng. Kinh tế rừng đang từng bước giúp người Dao thoát nghèo bền vững.

Với diện tích rừng trồng sản xuất lớn, đây là tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Hàm Yên kinh tế lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và nâng cao thu nhập bền vững cho người dân. Hàm Yên đã tích cực tuyên truyền vận động, thay đổi những hạn chế trong nhận thức cho các chủ rừng và người dân trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp; diện tích rừng của nhiều hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ chưa mang lại giá trị kinh tế cao, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia quản lý rừng bền vững.

Sau khi có nhận thức đúng đắn, các chủ rừng và người dân đã chủ động chuyển đổi, học được cách bảo vệ môi trường khi trồng, chăm sóc rừng; tiếp cận kỹ thuật canh tác mới theo quy chuẩn quốc tế và chú trọng phát triển diện tích rừng gỗ lớn. Hiện tại, mỗi ha rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC mang lại thu nhập cao hơn từ 15-20% so với trồng rừng thông thường và sức khỏe của người trồng rừng cũng được bảo đảm vì không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học.

Năm 2024, Ban Quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Hàm Yên đã phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn và đơn vị cung ứng cây giống thực hiện hỗ trợ cây giống trồng rừng sản xuất năm 2024 cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện. Năm nay, trên địa bàn huyện có hơn 1.000ha được hỗ trợ cây giống bằng các loài cây Keo lai mô, Keo tai tượng hạt ngoại, Trám trắng ghép. Việc thực hiện hỗ trợ trồng rừng bằng cây giống chất lượng cao trên địa bàn huyện được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cây giống sinh trưởng phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh, chống đổ cao, qua đó nâng cao năng suất, giá trị, thu nhập cho người trồng rừng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Hàm Yên trao đổi cùng nhân dân về giống Keo chất lượng cao.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Hàm Yên trao đổi cùng Nhân dân về giống Keo chất lượng cao

Thời gian tới, Hàm Yên tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; phổ biến kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào kinh doanh rừng và cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp đến người dân, như: Cấp chứng chỉ rừng FSC; hỗ trợ cây giống chất lượng cao, chuyển hoá rừng trồng gỗ lớn theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, đặc biệt là cây keo trên địa bàn; kiên quyết kiểm tra, ngăn chặn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Đồng thời có cơ chế thu hút đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh chế biến lâm sản tại địa bàn huyện, nhằm tạo việc làm và nâng cao giá trị rừng trồng.


Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ngày 26/12, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 (Chương trình MTQG 1719) tại các huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Đoàn công tác do ông Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu. Cùng dự làm việc có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã trên địa bàn 2 huyện.