Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hai nữ giáo sư đạt Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021

Nguyệt Anh - 09:55, 29/03/2022

Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam vừa công bố kết quả xét Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 cho hai nhà khoa học nữ đang công tác tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và Trường ĐH Cần Thơ.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai (trái) và GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy - Ảnh: T.L
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai (trái) và GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy - Ảnh: T.L

Theo đó, sau khi nghiên cứu các hồ sơ được đề cử trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam đã tổ chức cuộc họp xét chọn Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021.

Kết quả xét tặng giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 cho hai nhà khoa học nữ, gồm: GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy - giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ.

Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 dự kiến tổ chức vào dịp Kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (tháng 5/2022) tại Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai (50 tuổi, quê Quảng Ngãi), tốt nghiệp ngành hóa học Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên).

Sau đó, bà lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành hóa dược tại Trường Đại học Y dược Toyama (Nhật Bản). Bà được công nhận Phó Giáo sư năm 2014 và sau đó là Giáo sư vào năm 2020.

Hiện nay, Giáo sư Thanh Mai tiếp tục một số nghiên cứu ứng dụng, hoàn thành hai sản phẩm hỗ trợ ung thư đường tiêu hóa và viêm khớp từ dược liệu trong nước. Với những nghiên cứu này, Giáo sư Thanh Mai đã có hơn 60 bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Với nghiên cứu về các sản phẩm từ loài ong nuôi ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã đạt được Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017 và Giải thưởng Sáng tạo TP. Hồ Chí Minh năm 2019.

Còn GS.TS Nguyễn Minh Thủy sinh năm 1961, quê ở xã Long Điền, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 31 tuổi, bà được cấp bằng thạc sĩ ngành Công nghệ sau thu hoạch của Viện Kỹ thuật châu Á (Asian Institute of Technology - AIT), Thái Lan.

Sau đó, bà trở thành nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật khoa học sinh học của Trường KU Leuven (Katholieke Universiteit Leuven), vương quốc Bỉ và được cấp bằng tiến sĩ vào năm 2007.

Bà Nguyễn Minh Thủy đã được công nhận chức danh Phó Giáo sư ngành Công nghệ thực phẩm năm 2010 và là một trong ba nữ giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm năm 2020.

Thời gian qua, các nghiên cứu của Giáo sư Minh Thủy hướng tới các giải pháp, chiến lược nhằm giải quyết lâu dài vấn đề về tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân và ngành nông nghiệp khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, bệnh dịch.

Giáo sư Nguyễn Minh Thủy đã có hơn 150 bài báo (tiếng Việt và tiếng Anh) được công bố trong các tạp chí khoa học có phản biện trong nước (có chỉ số ISSN) và tạp chí quốc tế có uy tín (SCOPUS, Indexed ISI).

Bà có 28 công trình khoa học được công bố ở các kỷ yếu trong nước và quốc tế (một số kỷ yếu sau năm 2012 có chỉ số ISBN); đã báo cáo 48 công trình/kết quả nghiên cứu tại các hội thảo khoa học chuyên ngành trong nước (16 công trình) và quốc tế (32 công trình).

Giải thưởng Kovalevskaia được mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ 19 - Sophia Kovalevskaia (1850 - 1891).

Ở Việt Nam từ năm 1985, Giải thưởng Kovalevskaia đã được các nhà khoa học nữ Việt Nam hưởng ứng, coi đó là nguồn động viên, cổ vũ chị em trên con đường nghiên cứu khoa học.

Tính đến năm 2020, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam đã xét chọn và trao giải thưởng cho 20 tập thể và 49 cá nhân nhà nữ khoa học có thành tích nghiên cứu khoa học tự nhiên xuất sắc và có ứng dụng nổi bật trong các lĩnh vực toán học, hóa học, sinh học, y tế, giáo dục, nông nghiệp…