Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hà Tĩnh: Gặp nhiều khó khăn trong khắc phục hậu quả sạt lở

An Yên - CĐ - 22:51, 19/10/2021

Ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 15 - 18/10, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra tình trạng sạt lở núi, khiến hàng trăm khối đất đá tràn xuống một số tuyến đường trọng điểm. Công tác khắc phục sạt lở để thông tuyến đang rất khó khăn, do địa chất phức tạp. Nhiều nơi vẫn đang ách tắc và chưa thể lưu thông, còn lực lượng chức năng lại rất vất vả để khắc phục hậu quả.

Nhiều vị trí sạt lở tại Hà Tĩnh có nền địa chất yếu nên tiềm ẩn nguy hiểm cho công tác khắc phục
Nhiều vị trí sạt lở tại Hà Tĩnh có nền địa chất yếu nên tiềm ẩn nguy hiểm cho công tác khắc phục

Dù mưa đã hết, nhưng việc khắc phục sạt lở, thu dọn đất đá tràn xuống chắn ngang một số tuyến đường trọng điểm ở Hà Tĩnh vẫn chưa thể triển khai, do hiện trường phức tạp, như sạt lở tại tuyến đường ven biển, đường quốc phòng, Quốc lộ 8A đoạn qua xã Sơn Châu (Hương Sơn), tỉnh lộ ĐT551 đoạn giáp ranh giữa xã Kỳ Phong với Kỳ Trung (Kỳ Anh).

Tại hiện trường, ghi nhận hàng nghìn khối đất đá từ phần mái ta luy dương bị sạt lở tràn xuống, chắn ngang các tuyến đường, khiến người và phương tiện giao thông không thể qua lại. Theo chính quyền các địa phương, thời điểm xảy ra sạt lở, không có ai di chuyển qua, nên không gây thương vong, thiệt hại tài sản cho người dân.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, chính quyền các địa phương đã nhanh chóng cắm các biển cảnh báo tới người dân và phương tiện; đồng thời làm tạm các barie chắn ngang đường để người dân được biết. 

Cùng với đó, ngành chức năng đã nhanh chóng huy động máy móc thu dọn số đất đá tràn xuống đường. Tính đến chiều ngày 19/10, tuyến Quốc lộ 8A đã thông hoàn toàn; tuyến tỉnh lộ 551 đã di dời được một phần và các phương tiện có thể tạm thời di chuyển.

Vị trí sạt lở trên tỉnh lộ 551 đoạn giữa xã Kỳ Phong và Kỳ Trung huyện Kỳ Anh đã có thể lưu thông tạm
Vị trí sạt lở trên tỉnh lộ 551 đoạn giữa xã Kỳ Phong và Kỳ Trung huyện Kỳ Anh đã có thể lưu thông tạm

Còn trên tuyến quốc lộ ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng và đường quốc phòng ven biển, đoạn giáp ranh giữa xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh) với xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), khối lượng đất đá sạt trượt vẫn chưa thể khắc phục, khiến giao thông vẫn còn đang bị ách tắc. Các điểm sạt lở trên các tuyến đường này kéo dài hàng trăm mét, bùn đỏ tràn xuống đường, có nơi ngập cả mét. Việc đi bộ qua lại khu vực sạt lở cũng rất khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, đại diện UBND xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên thông tin: Do nền địa chất ở xã Cẩm Lĩnh chủ yếu là đá pha cát và có độ dốc lớn, nên mỗi mùa bão lũ, khi có mưa lớn kéo dài rất dễ xảy ra sạt lở. Không chỉ năm nay, mà các năm trước, tình trạng sạt lở đã xảy ra trên đường quốc phòng ven biển và tuyến quốc lộ ven biển đi qua địa bàn. Xã đã thường xuyên khuyến cáo bà con hạn chế đi lại ở các điểm dễ xảy ra sạt lở, tránh các tai nạn đáng tiếc trong thời điểm mưa bão.

Về hướng khắc phục sự cố sạt lở trên các tuyến đường, ông Trần Thế Hùng, Phó Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và An toàn giao thông - Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh  cho biết: Tuyến quốc lộ ven biển và đường quốc phòng ven biển vẫn chưa thể thông. Các vị trí sạt lở khác, đơn vị đã nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, huy động nhân lực, phương tiện để thu dọn xong.

Vị trí sạt lở trên tuyến quốc lộ ven biển giáp ranh giữa huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên có nền địa chất yếu nên tiềm ẩn nguy hiểm trong khắc phục hậu quả
Vị trí sạt lở trên tuyến quốc lộ ven biển giáp ranh giữa huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên có nền địa chất yếu nên tiềm ẩn nguy hiểm trong khắc phục hậu quả

Qua đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, việc khắc phục các điểm sạt lở gặp một số khó khăn. Ngoài khối lượng sạt lở lớn, thì nền đất ở khu vực xảy ra sạt lở rất yếu; trong khi mưa lớn nhiều ngày liên tục, khiến kết cấu đá bị phá vỡ và trên núi có các tảng đá lớn dễ dẫn tới các tai nạn nguy hiểm. 

Việc dời dọn hiện trường vì thế phải được tính toán kỹ để bảo đảm an toàn cho người và máy móc. Mối nguy sạt lở vẫn tiềm ẩn trên các tuyến đường này, bởi dù đã tạnh mưa, nhưng nước vẫn tiếp tục đổ từ trên núi xuống. Nước chảy lâu sẽ phá vỡ kết cấu của đất đá dọc mái ta luy dương dẫn tới sạt lở.

Thực tế hiện nay, việc thông tuyến là rất cần thiết, nhưng vấn đề bảo đảm an toàn cho nhân lực, phương tiện làm nhiệm vụ khắc phục sạt lở phải đặt lên hàng đầu.  “Với tình hình như hiện nay, công tác khắc phục chưa thể tiến hành ngay, mà phải chờ tới lúc thời tiết tốt hơn, hiện trường bảo đảm mới có thể tiến hành”, ông Trần Thế Hùng nhận định./.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...