Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hà Nội tích cực hưởng ứng, thực hiện “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

PV - 22:26, 14/06/2018

Ngày 11/6/1948, trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn, cũng là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” để động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua kháng chiến, kiến quốc.

70 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người luôn là động lực thúc đẩy, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy ý chí tự lực, tự cường, không ngại hy sinh gian khổ, ra sức phấn đấu đưa nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được những kỳ tích vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cái nôi của nhiều phong trào thi đua

Thủ đô Hà Nội vinh dự là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc trong suốt 15 năm (1954-1969). Người đã dành cho Hà Nội sự quan tâm đặc biệt về mọi mặt. Trong hai năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc (1966-1967), 4 lần Bác gửi thư khen quân, dân Thủ đô đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công. Đặc biệt, ngày 1/9/1969, Bác gửi tặng lẵng hoa biểu dương thành tích của Đội Cảnh sát khu vực 4, khu phố Ba Đình.

141 em học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô có thành tích học tập xuất sắc, tiêu biểu năm 2017 được UBND TP. Hà Nội tuyên dương. 141 em học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô có thành tích học tập xuất sắc, tiêu biểu năm 2017được UBND TP. Hà Nội tuyên dương.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác về thi đua ái quốc, cùng với cả nước, quân và dân Hà Nội đã đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, lập nên những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lòng mong mỏi và ước nguyện của Bác Hồ kính yêu.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Nội đã hưởng ứng và khởi xướng nhiều phong trào, mô hình thi đua, như: “Hũ gạo cứu đói”, “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”… Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là các phong trào “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, “Tay cày tay súng, tay búa tay súng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”, “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Chiếc gậy Trường Sơn”; “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”…

Sự hưởng ứng của đông đảo quân và dân Hà Nội đã làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng, là nguồn động lực, là nhân tố quyết định thắng lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Thủ đô.

Phát huy truyền thống thi đua

Trong thời kỳ xây dựng và phát triển Thủ đô, với vị thế và trọng trách là đầu não chính trị-hành chính quốc gia và là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống là chiếc nôi của các phong trào hành động cách mạng, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thông qua từng chuyên đề; xây dựng các mô hình thi đua, xây dựng ban hành các quy chế, quy định về công tác thi đua-khen thưởng.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, TP. Hà Nội đã triển khai và thực hiện tốt 2 phong trào đặc thù: Một là, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hai là phát động phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo”.

Và đến nay, 100% các đơn vị trên địa bàn Thành phố đều triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”. Với phương châm đổi mới, hiệu quả, bằng nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, thành phố đã phát động cuộc thi “Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt”, và được thể chế hóa bằng Quyết định 36/QĐ-UBND ngày 7/12/2015, ban hành Quy chế cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và viết sách “Những bông hoa đẹp”.

Qua triển khai thực hiện phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, đã xuất hiện nhiều gương lao động sáng tạo, nhiều mô hình, giải pháp hay trong các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới, những việc làm thiện nguyện, nghĩa cử cao đẹp. Đã có hơn 24.000 “người tốt, việc tốt” tiêu biểu được UBND thành phố biểu dương khen thưởng; hơn 32 vạn “người tốt, việc tốt” ở cơ sở được các quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc thành phố khen thưởng…

Đặc biệt, năm 2010, Thành phố đã ban hành quy chế xét tặng danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô”, tặng các cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho Thủ đô. Từ đó đến nay, vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) hằng năm, Thành phố tổ chức tổng kết phong trào “Người tốt, việc tốt” và tôn vinh “Công dân Thủ đô ưu tú”.

Với phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo”, Hà Nội đã có 125.358 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 10.052 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở; qua đó, Hội đồng Tư vấn đã tham mưu, xét chọn, đề nghị Thành phố tặng Bằng công nhận sáng kiến, sáng tạo Thủ đô cho 959 cá nhân, trong đó có 650 sáng kiến, với tổng giá trị làm lợi 1.390 tỷ đồng.

70 năm đã qua, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự. Với Thủ đô Hà Nội, qua từng thời kỳ cách mạng, phong trào thi đua yêu nước luôn được giữ vững và phát huy, là một trong những địa phương tiêu biểu, đi đầu trong thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước.

Đó là động lực và sức mạnh tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thi đua quyết thắng, xây dựng đất nước và Thủ đô “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

NGUYỄN ĐỨC CHUNG

(Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội)