Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hà Nội: Sẵn sàng cho ngày mở cửa đón khách du lịch

Nguyệt Anh (T/h) - 07:00, 24/10/2021

Trước những tín hiệu tích cực về công tác phòng, chống dịch Covid-19, thời gian này, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Hà Nội đang chủ động chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng mở cửa trở lại phục vụ công chúng.

Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đẩy mạnh hoạt động trưng bày để sẵn sàng đón công chúng ngay khi được mở cửa trở lại.
Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đẩy mạnh hoạt động trưng bày để sẵn sàng đón công chúng ngay khi được mở cửa trở lại (Ảnh TL)

Đổi mới các hoạt động quảng bá

Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lòvừa giới thiệu tới công chúng nội dung trưng bày “Sắt - Son”, tôn vinh những nét đẹp của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Đáng chú ý, bên cạnh 2 kênh trực tuyến là trang tương tác trên mạng xã hội (fanpage) và hệ thống phát thanh ứng dụng Spotify, trưng bày cũng được giới thiệu trực tiếp tại di tích, sẵn sàng phục vụ công chúng ngay khi hoạt động tham quan được khởi động trở lại.

Cùng với trưng bày và các sản phẩm tour đêm đã ghi dấu trong lòng công chúng, như: “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt”, “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa”…, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục xây dựng sản phẩm tham quan mới, với chủ đề “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân” và đặc biệt là chương trình giáo dục di sản “Chuyến tàu Hỏa Lò” dành cho đối tượng tham quan là học sinh tiểu học. 

Theo bà Lã Thị Thủy (Phòng Truyền thông, Di tích Nhà tù Hỏa Lò), “Chuyến tàu Hỏa Lò” được xây dựng như một chuỗi tham quan, khám phá không gian di sản thông qua các hoạt động giải mã hành trình, trò chơi tương tác, thể hiện kiến thức, hiểu biết về khu di sản.

Cũng trong thời gian này, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với Ban Tổ chức Tuần thiết kế Việt Nam năm 2021 tổ chức cuộc thi “Thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách tại khu di tích. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đã có 5 sản phẩm thiết kế được Ban giám khảo lựa chọn để bước vào giai đoạn hoàn thiện, tham gia vòng chung kết, bình chọn và triển lãm, dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 11 năm nay.

“Với tinh thần “đánh thức truyền thống”, những sản phẩm đạt yêu cầu sẽ được thỏa thuận khai thác trong hoạt động quảng bá di sản. Đây là một trong những tìm tòi của trung tâm, nhằm đưa di tích đến gần hơn với công chúng”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm.

Chuẩn bị kỹ phương án phòng, chống dịch

Dịch Covid-19 đang tiếp tục được kiểm soát, với nhiều hoạt động được phép mở lại. Đây là tín hiệu tích cực để các điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể được khôi phục hoạt động đón khách tham quan, trải nghiệm trong thời gian tới. Bên cạnh công tác chuyên môn, thời gian này, các điểm đến di sản đã tăng cường triển khai các sáng kiến, giải pháp, chuẩn bị kỹ các phương án đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch khi được mở cửa trở lại.

Tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, toàn bộ không gian di tích thường xuyên được rà soát, khử khuẩn; các cửa ra, vào đều được trang bị hệ thống sát khuẩn tự động, bố trí điểm quét mã QR, đo thân nhiệt, hướng dẫn di chuyển giãn cách... Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm tăng cường trang bị các thiết bị vật tư y tế, khử khuẩn toàn bộ các điểm tham quan trọng điểm, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua đội ngũ hướng dẫn viên cũng như hệ thống pano, áp phích… Khu phố cổ Hà Nội, ngoài yêu cầu về phòng, chống dịch, còn có thêm điều kiện khách tham quan phải sử dụng ứng dụng khai báo y tế.

Trong khi đó, ở đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm), phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), đền Sóc (huyện Sóc Sơn), đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), chùa Hương (huyện Mỹ Đức)… việc bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch để sẵn sàng mở cửa trở lại đã được khẩn trương thực hiện. Cụ thể, đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ đã xây dựng chu trình di chuyển bảo đảm khoảng cách trong khi tham quan, thực hành hoạt động tâm linh, tín ngưỡng...

Trưởng ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Doãn Văn cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch gắn với công tác quản lý nhà nước. Để chuẩn bị các điều kiện phục vụ công chúng và du khách khi mở cửa trở lại, các di tích, danh lam thắng cảnh đều phải xây dựng kịch bản cụ thể về số lượng người ra, vào di tích; phân luồng, tạo tuyến, tránh ùn tắc; bố trí điểm cách ly tạm thời cho đối tượng nghi nhiễm… cũng như tăng cường nhân lực, bảo đảm các yêu cầu về khoảng cách, khử khuẩn, khẩu trang, khai báo y tế và không tụ tập đông người.