Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hà Nội đi đầu trong cả nước về xây dựng NTM

Hồng Minh - 10:40, 24/09/2019

Khu vực nông thôn Hà Nội trong 10 năm qua đã có nhiều đột phá, đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, hiện đại; nền nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghệ cao, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao...

Theo báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân” của Thành ủy Hà Nội, Thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai. Toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn NTM (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra là có 80% số xã hoàn thành đến 2020); có 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn NTM có 10 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 43 xã đạt và cơ bản đạt 15-18 tiêu chí, 8 xã đạt và cơ bản đạt 11-14 tiêu chí.

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 (13 triệu đồng/người/năm). Các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao là: Thạch Thất 58 triệu đồng, Gia Lâm 48,9 triệu đồng, Đông Anh 47 triệu đồng... Giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố giảm từ 7,52% (116.057 hộ nghèo) đầu năm 2011 xuống còn 0,96% (17.260 hộ nghèo) cuối năm 2015. Trong đó, khu vực nông thôn giảm từ 11,25% (172.850 hộ nghèo) năm 2011 xuống còn 1,5% (15.969 hộ nghèo) cuối năm 2015.

Các sản phẩm tại Hội chợ nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô.
Các sản phẩm tại Hội chợ nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô.

Đến nay, Hà Nội đã có 376/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí hộ nghèo, tăng 49 xã so với cuối năm 2015, còn 10 xã chưa đạt. Toàn Thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững, tạo sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bảo đảm đầu ra ổn định...

“Có được những kết quả đó, là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở. Đặc biệt, thành tố quyết định sự thành công của Chương trình chính là sự ủng hộ và tích cực của đông đảo Nhân dân”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân.

Là hộ gia đình tích cực đóng góp vào Chương trình xây dựng NTM, ông Phạm Đình Thiện (thôn 1, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức) cho biết, từ năm 2012 đến 2017, gia đình ông đã hỗ trợ kinh phí và hiến 70m2 đất thổ cư để địa phương mở rộng khuôn viên, tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử cấp quốc gia Lăng đá Quận công Phạm Đôn Nghị; xây dựng cổng đình làng... Ngoài ra, ông Thiện còn tuyên truyền, vận động các hộ dân trong khu dân cư cùng đóng góp ngày công để làm đường giao thông ngõ xóm; tham gia vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, trồng mới cây xanh tại các khu công cộng, khu di tích lịch sử văn hóa của địa phương, đóng góp tiền vào các quỹ phúc lợi...

Nhờ sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, đến nay, Nhân dân trong khu dân cư thôn 1, xã Lại Yên đã xây mới 12 tuyến đường ngõ xóm đạt chuẩn NTM; trồng mới được hàng trăm cây xanh tại các khu công cộng; đóng góp hơn 200 ngày công làm vệ sinh môi trường; hơn 100 triệu đồng vào các quỹ phúc lợi của địa phương...

Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, sẽ có 85% trở lên số xã đạt chuẩn NTM (tăng 5% so với mục tiêu của Chương trình), có từ 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn NTM; thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 50 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%. Đến năm 2025, 100% các huyện, các xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…