Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hà Nội: Đánh giá, phân hạng 46 sản phẩm OCOP tại 4 quận, huyện

Mai Hương - 13:00, 18/11/2022

Ngày 18/11, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 1 cho 46 sản phẩm của 4 quận, huyện: Ứng Hòa, Hoài Đức, Mỹ Đức và Thanh Xuân năm 2022 theo Kế hoạch số 68/KH-HĐOCOP.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã biểu dương sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai Chương trình OCOP của 4 quận, huyện: Ứng Hoà, Thanh Xuân, Mỹ Đức, Hoài Đức; cũng như sự tham gia tích cực của các chủ thể, đơn vị tư vấn đối với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP.

Đồng thời, để bảo đảm công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thực chất, ông Nguyễn Văn Chí đề nghị các thành viên Hội đồng OCOP thành phố bám sát những tiêu chí đã được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quy chế của Hội đồng OCOP TP. Hà Nội, thực hiện đánh giá một cách khách quan, công bằng, công khai, minh bạch đối với tất cả sản phẩm. Các sở ngành cần tập trung nghiên cứu hồ sơ, xem xét kỹ những tiêu chí liên quan đến đơn vị mình phụ trách. Qua đó có ý kiến đóng góp, bổ sung cho các chủ thể những nội dung minh chứng còn thiếu, chưa đầy đủ, tuyệt đối không để nợ tiêu chí.

Trong tổng 46 sản phẩm, có 23 sản phẩm thuộc huyện Ứng Hoà, 2 sản phẩm thuộc quận Thanh Xuân, 4 sản phẩm thuộc huyện Mỹ Đức và 17 sản phẩm thuộc huyện Hoài Đức. Các sản phẩm được đưa ra đánh giá bảo đảm tính khách quan, chặt chẽ. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí về đảm bảo chất lượng, nguồn nguyên liệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, năng lực đáp ứng nhu cầu phân phối, bảo vệ môi trường.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, dự kiến đầu tuần tới, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP. Hà Nội sẽ tổ chức đánh giá OCOP lần II. Đồng thời, chương trình OCOP sắp tới sẽ có một số thay đổi về hạn chế tối thiểu tiêu chí cảm quan, đưa tính cộng đồng lên cao hơn 40 điểm; cấp xã sẽ phụ trách tham gia đánh giá OCOP 2 nội dung gồm tỷ lệ và vùng nguyên liệu. Các chủ thể cũng phải tự đánh giá và chấm điểm OCOP cho chính mình để việc tổ chức các hoạt động được hiệu quả, giảm bớt sức nặng cho Hội đồng OCOP Thành phố.

Tại buổi đánh giá, chủ thể Dương Minh Cường, đại diện Hộ kinh doanh Xưởng sản xuất nhạc cụ đàn đến từ xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa cho biết: Hội đồng đã có những đánh giá rất công tâm cho các sản phẩm OCOP. Thời gian qua, cơ sở đã nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn từ huyện Ứng Hoà để tham gia chương trình. Trong buổi đánh giá ngày hôm nay, xưởng sản xuất nhạc cụ đàn Cường Anh đã lựa chọn 7 sản phẩm dự thi, gồm: "Đàn bầu gỗ mun khảm trai", "Đàn đáy gỗ hương", "Đàn nguyệt gỗ mun khảm trai", "Đàn tì bà gỗ hương khảm trai", "Đàn tranh gỗ hương khảm trai", "Đàn tam gỗ hương", "Đàn nhị gỗ hương". 7 sản phẩm đã được đánh giá là tiềm năng 4 sao cấp thành phố. Đồng thời mong muốn huyện và thành phố sẽ hỗ trợ cho cơ sở về vấn đề thị trường tiêu thụ, để đưa sản phẩm vươn ra thế giới.

Chủ thể Dương Minh Cường - hộ kinh doanh Xưởng sản xuất nhạc cụ đàn Cường Anh có 7 sản phẩm được đánh giá là tiềm năng OCOP 4 sao.
Chủ thể Dương Minh Cường - hộ kinh doanh Xưởng sản xuất nhạc cụ đàn Cường Anh có 7 sản phẩm được đánh giá là tiềm năng OCOP 4 sao.

Xã Đông Lỗ nổi tiếng với nghề làm các loại nhạc cụ dân tộc. Trong gia đình, anh Cường là đời thứ 3 tiếp nối nghề truyền thống. Hiện, xưởng sản xuất của gia đình có 16 lao động, mỗi năm làm ra hàng nghìn chiếc đàn. Sản phẩm được cửa hàng kinh doanh nhạc cụ dân tộc đặt hàng và tiêu thụ rộng khắp cả nước.

Năm 2022, Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có trên 400 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP. Tính đến nay, đã có hơn 500 sản phẩm đăng ký tham gia của 26/30 quận, huyện, thị xã. Từ nay đến hết năm 2022, Thành phố Hà Nội triển khai tăng cường công tác kiểm tra các chủ thể OCOP có sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng để tư vấn, hỗ trợ hoặc xử kịp thời các chủ thể vi phạm; hỗ trợ mở lớp tập huấn kỹ năng bán hàng livestream trên kênh Tiktokshop cho các chủ thể…

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội.