Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hạ Long (Quảng Ninh): Ưu tiên vốn đầu tư tạo sinh kế để người dân giảm nghèo bền vững

Nghĩa Hiệp - 09:30, 02/12/2021

Vận dụng các nguồn lực để triển khai các dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, TP. Hạ Long còn 62 hộ nghèo, 139 hộ cận nghèo.

Ban Chỉ đạo giảm nghèo TP. Hạ Long và các doanh nghiệp trao tặng gà giống cho các hộ nghèo ở xã Hòa Bình, tháng 10/2021
Ban Chỉ đạo giảm nghèo TP. Hạ Long và các doanh nghiệp trao tặng gà giống cho các hộ nghèo ở xã Hòa Bình, tháng 10/2021

Công tác giảm nghèo, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển toàn diện của TP. Hạ Long giai đoạn 2015 - 2020. Thành phố đã chú trọng xây dựng, triển khai, ban hành các chính sách để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thụ hưởng, thoát nghèo, huy động sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng... Theo đó, Chương trình 135, Chương trình xây dựng Nông thôn mới được triển khai hiệu quả trên địa bàn Thành phố, bộ mặt nông thôn ngày càng được cải thiện theo hướng văn minh, hiện đại.

Trong 5 năm qua, Thành phố đã bố trí nguồn lực triển khai tốt các dự án hỗ trợ trong Chương trình Giảm nghèo, với tổng kinh phí gần 234 tỷ đồng. Trong đó, trên 205 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (57 công trình) cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; trên 7 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất và mô hình giảm nghèo; trên 7 tỷ đồng hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở hộ nghèo...

Một trong những dự án đạt hiệu quả cao, là Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. Có thể kể đến các mô hình: Trồng 5.000 cây ba kích/0,5ha tại thôn Phú Liễn (xã Đồng Sơn); nuôi lợn thương phẩm tại xã Đồng Lâm; nuôi gà Lương Phượng thả vườn tại xã Đồng Sơn; trồng cây ổi Đài Loan tại xã Sơn Dương; mô hình nuôi trâu sinh sản với 30 hộ nghèo, cận nghèo ở nhiều xã tham gia. Thu nhập của các hộ gia đình tham gia mô hình tăng 5 - 10%/năm; mỗi năm có 70 - 75% số hộ thoát nghèo, cận nghèo.

Ông Đinh Mạnh Đới, dân tộc Tày, thôn 1, xã Dân Chủ, TP. Hạ Long, là một trong những người đầu tiên trồng ổi Đài Loan, sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh cho biết, giống ổi mới cho năng suất cao, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 2ha ổi cũng được vài trăm triệu đồng.

Con đường được đầu tư từ Chương trình 135 tại xã Kỳ Thượng, Hạ Long giúp người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo
Con đường được đầu tư từ Chương trình 135 tại xã Kỳ Thượng, Hạ Long giúp người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo

Năm 2021, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, TP. Hạ Long còn 62 hộ nghèo, 139 hộ cận nghèo. Đây là những hộ khó có điều kiện thoát nghèo, bởi nguyên nhân nghèo phần lớn là gia đình có người già yếu, bệnh tật phải điều trị dài ngày tại bệnh viện, gia đình có người mắc bệnh xã hội...

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, cho biết: “Đối với các hộ có tinh thần, ý thức cao vượt khó, tình nguyện viết đơn phấn đấu thoát nghèo, cận nghèo năm 2022, Thành phố đặc biệt quan tâm cả về vật chất, tinh thần, chung tay giúp đỡ các hộ vươn lên. 

Giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố phấn đấu bình quân mỗi năm giảm 25% số hộ nghèo, 10% số hộ cận nghèo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Thành phố quyết tâm không để tái nghèo, tái cận nghèo, hạn chế tối đa phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Theo đó, Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên thoát nghèo, cận nghèo, tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm và triển khai nhiều mô hình đa dạng sinh kế phát triển sản xuất, giúp các hộ tự vươn lên thoát nghèo bền vững...