Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hà Giang: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từng bước được đẩy lùi

Hà Nguyễn - 15:49, 26/08/2021

Những tập tục “Người trong họ tộc lấy nhau thách cưới sẽ ít hơn, kết hôn sớm để có thêm lao động…” là lí do dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Nhưng thời gian qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Hà Giang đã có những chuyển biến tích cực.


Hội thi tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Hội thi tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhiều hệ lụy

Hà Giang là tỉnh có đông đồng bào DTTS (Mông, Tày, Dao, Nùng, Lô Lô...) sinh sống. Mặc dù đời sống người dân từng bước được nâng cao nhưng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) hiện vẫn còn tồn tại ở các huyện như: Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Đồng Văn, Xín Mần…

Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng như tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Trẻ em sinh ra có thể mắc những căn bệnh như dị tật, tan máu bẩm sinh. Qua đó, khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, TH&HNCHT cũng gây ra nhiều hệ lụy với đời sống của người dân. Khi trẻ chưa đủ tuổi trưởng thành, thiếu hiểu biết về kiến thức, kỹ năng sống để nuôi con, nên khó làm tròn trách nhiệm làm cha, mẹ, khó xây dựng được gia đình hạnh phúc bền vững.

Anh V. A. C, ở thôn Lủng Cẩu, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì là một trường hợp điển hình khi lấy vợ là người trong dòng họ, cận huyết thống. Hệ lụy là hai con của anh đã mắc bệnh bẩm sinh, chậm phát triển, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TH&HNCHT, nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là yếu tố kinh tế, nhận thức của người dân về hôn nhân; các tập tục tồn tại lâu như: người trong họ tộc lấy nhau thách cưới sẽ ít hơn, kết hôn sớm để có thêm lao động, tục cướp vợ, không có việc làm cũng là nguyên nhân dẫn đến kết hôn sớm, sinh con sớm.

Bên cạnh đó, các nguyên nhân như trình độ dân trí, điều kiện giao lưu với các dân tộc khác hạn chế, sự khác biệt ngôn ngữ, không thông thạo tiếng phổ thông; nhiều gia đình, nhất là phụ nữ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản...cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn

Một trong những giải pháp quan trọng mà Hà Giang đã thực hiện trong thời gian qua là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào trong việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, chính sách Dân số - kế hoạch hóa gia đình..

Từ năm 2018 đến nay, Hà Giang đã triển khai một số mô hình điểm trên địa bàn các huyện. Các xã được chọn làm mô hình thành lập Câu lạc bộ "Phòng chống tệ nạn TH&HNCHT", Câu lạc bộ Tiền hôn nhân.

Trên cơ sở hương ước, quy ước của thôn, bản, Ban Chỉ đạo mô hình đã phối hợp với chính quyền xã hướng dẫn các thôn xây dựng bổ sung các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình vào quy ước, hương ước các thôn. Các thôn, bản ký thực hiện cam kết với xã không có người vi phạm TH&HNCHT.

Trong công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình, tỉnh đã phát huy nội lực, nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cộng tác viên dân số. Đội ngũ này không chỉ tuyên truyền đến từng hộ gia đình, mà còn tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp thôn, bản và vận động các hộ kí cam kết không để xảy ra tình trạng TH&HNCHT.

Anh V. V. K, thôn Chí Cà Hạ, huyện Yên Minh (Hà Giang) cho biết, trước đây mọi người trong gia đình anh chỉ nghĩ con trai cho lấy vợ sớm để có thêm người làm việc, con gái cho lấy chồng sớm thì sẽ chọn được người chồng tốt hơn. Nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích về Luật Hôn nhân và Gia đình, tác hại của việc TH&HNCHT anh đã hiểu nên chắc chắn sẽ khuyên nhủ các con khi đủ tuổi theo quy định mới được lấy chồng, lấy vợ.

Cùng với các cấp chính quyền địa phương, những năm qua, Bộ đội Biên phòng Hà Giang đã cùng chung tay, tích cực tham gia đẩy lùi tình trạng TH&HNCHT trong đồng bào DTTS. 

Minh chứng là Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh Hà Giang, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tổ chức truyên truyền tại 17 xã , trong đó có 13 xã biên giới; đối tượng chủ yếu là các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên.

Thượng tá Đặng Quốc Phong, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Máy, Bộ đội Biên phòng Hà Giang cho biết: Những năm qua, ngoài nhiệm vụ được giao là bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn đơn vị phụ trách, đơn vị đã tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền cho bà con về xóa bỏ hủ tục, nhất là TH&HNCHT. 

Để người dân dễ nghe, dễ hiểu, ngoài hình thức tuyên truyền tập trung, tuyên truyền miệng, các tuyên truyền viên của 4 cơ quan đã xây dựng các chương trình tuyên truyền đa dạng như chiếu phim tài liệu, kịch tuyên truyền, hỏi - đáp pháp luật... Qua đó, truyền tải cho bà con những thông điệp, những kiến thức pháp luật cũng như về tác hại của TH&HNCHT.

Nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của người dân tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã giảm qua các năm. Trong giai đoạn 2015 - 2018, tỉnh Hà Giang ghi nhận có 2.348 cặp tảo hôn và 67 cặp kết hôn cận huyết thống. Từ năm 2019 đến đầu năm 2021, chỉ còn 559 cặp TH và 36 cặp HNCHT.