Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hà Giang sẵn sàng các phương án ứng phó trước diễn biến phức tạp của bão Yagi

Vũ Mừng - 12:12, 07/09/2024

Dù không phải là địa phương ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão Yagi nhưng tỉnh Hà Giang đã chủ động thực hiện công tác phòng tránh và giảm nhẹ hậu quả của thiên tai.

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”

Công an tỉnh Hà Giang kiểm tra các phương cứu hộ, cứu nạn
Công an tỉnh Hà Giang kiểm tra các phương tiện cứu hộ, cứu nạn

Đại tá Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cho biết: Trước những diễn biến bất thường của cơn bão Yagi, Công an tỉnh Hà Giang đã bố trí lực lượng thường trực, ứng trực 100% quân số; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” khi bão đổ bộ, gây mưa lớn sẽ có các phương án, phương tiện chỉ huy tại chỗ, để triển khai các nhiệm vụ bảo đảm ANTT, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức hướng dẫn, phân luồng, duy trì tuần tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến đường bộ, cảnh báo đảm bảo an toàn cho người, tài sản. Nghiêm cấm người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, lực lượng Cảnh sát cơ động sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện, kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ.

Ứng trực cứu hộ, cứu nạn bảo đảm 100% quân số

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã duy trì nghiêm chế độ ứng trực cứu hộ, cứu nạn bảo đảm 100% quân số
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã duy trì nghiêm chế độ ứng trực cứu hộ, cứu nạn bảo đảm 100% quân số

Theo Đại tá Lê Anh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, ứng phó trước diễn biến phức tạp của bão, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã duy trì nghiêm chế độ ứng trực cứu hộ, cứu nạn bảo đảm 100% quân số. Không giải quyết phép, tranh thủ trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền và hoàn lưu sau bão, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của bão và mưa lớn.

Kiểm tra, gia cố, chằng buộc hệ thống doanh trại, kho tàng, nhà xe, nhà xưởng. Đồng thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho bộ đội, vũ khí trang bị, phương tiện; rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án; chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra; bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hồ thủy điện, khu vực thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm. Tổ chức lực lượng hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các đập tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Tuyên truyền cho người dân không qua lại trên sông, suối, đập tràn khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người.

Hành động sớm, chủ động trước thiên tai

Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang đề nghị các huyện chỉ đạo người dân nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa mùa sớm và các diện tích cây trồng có thể thu hoạch được
Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang đề nghị các huyện chỉ đạo người dân nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa mùa sớm và các diện tích cây trồng có thể thu hoạch được

Ông Hoàng Nhị Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Giang thông tin: Với vai trò là Cơ quan Thường trực phòng chống thiên tai của tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang đã tập trung thông tin chính xác kịp thời về đường đi, diễn biến của cơn bão. Trong đó, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang đã có lưu ý với các huyện về việc đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Tỉnh Hà Giang cũng đã chủ động đảm bảo an toàn cho các hồ đập, theo đó UBND tỉnh đã phân công các thành viên Ban Chỉ đạo kiểm tra, ứng trực 24/24 nhằm đảm bảo vận hành các hồ đập chứa nước trên địa bàn an toàn.

Với việc sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang đề nghị các huyện chỉ đạo người dân nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa mùa sớm và các diện tích cây trồng có thể thu hoạch được. Ở những vùng trũng thấp, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang chỉ đạo người dân thu hoạch ngay theo phương châm: “Xanh nhà hơn già đồng”.

Đồng thời, đối với các hộ gia đình, các đơn vị, cơ sở trang trại chăn nuôi, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang đề nghị khẩn trương di chuyển vật nuôi, gia súc tới các vị trí cao để giảm thiểu thiệt hại.

Trong trường hợp ngập úng xảy ra sau bão, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang lưu ý các huyện xây dựng phương án đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn nước cho người dân. Thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ trực tiếp có mặt tại các huyện để kiểm đếm hậu quả do cơn bão gây ra. Đối với trường hợp nếu xảy ra thiệt hại về người, các địa phương sẽ có ngay phương án hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ gia đình.

Sở cũng đã chỉ đạo các huyện chuẩn bị ngay một số loại giống cây trồng ngắn ngày để sau bão các địa phương có thể chủ động giống cây trồng cho vụ Đồng - Xuân.

UBND tỉnh Hà Giang ra công điện khẩn

Tỉnh Hà Giang tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố về việc triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3
Tỉnh Hà Giang tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố về việc triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3

Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn chỉ đạo 2922/UBND-KTTH, về việc triển khai Công điện số 01/CĐ-BXD ngày 04/9/2024 của Bộ Xây dựng ứng phó khẩn cấp bão số 3.

Trong Công văn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố; các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó bão số 3 theo Công văn số 2899/UBND-KTTH ngày 05/9/2024 của UBND tỉnh; đồng thời tăng cường các biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và các công trình theo Công điện số 01/CĐ-BXD ngày 04/9/2024 của Bộ Xây dựng, trong đó tập trung triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp sau:

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai cho nhà ở, công trình xây dựng theo 4 tài liệu hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã được đăng tải trên trang Thông tin điện tử của Sở Xây dựng.

Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật: rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập úng khi mưa, lũ; kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị; thực hiện cắt tỉa cây xanh đô thị; đảm bảo an toàn cung cấp điện và cung cấp nước sạch cho các vùng bị ngập lụt.

Đối với các công trình đang khai thác, sử dụng: yêu cầu người dân, chủ sở hữu thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở; các công trình sử dụng mái tôn, mái pro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường.

Đối với công trình đang thi công xây dựng: tổ chức kiểm tra việc thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt công tác đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao.

Đối với các công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình, truyền tải điện: yêu cầu các chủ đầu tư, chủ quản lý, chủ sử dụng tổ chức kiểm tra và tháo dỡ các thiết bị, bộ phận treo trên cao không đảm bảo an toàn; có kế hoạch di dời các hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng đến nơi an toàn khi cần thiết.

Giao Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND các huyện, thành phố theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, biện pháp nêu trên; báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo quy định.