Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hà Giang: Hơn 900 ngôi nhà tạm, nhà dột nát được khởi công, xây dựng

Hà Linh - 20:15, 09/12/2024

Với cách làm theo hướng đa dạng hóa nguồn lực trên tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều”, sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động, đến nay tỉnh Hà Giang đã có hơn 900 ngôi nhà được khởi công, xây dựng.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng dự Lễ khánh thành nhà mới của gia đình anh Chu Thống Tài, thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng dự Lễ khánh thành nhà mới của gia đình anh Chu Thống Tài, thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ

Theo kết quả rà soát, tổng số hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đến hết năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang là 6.481 nhà; trong đó xây dựng mới là 5.529 hộ, sửa chữa là 952 hộ. Cụ thể: hộ gia đình người có công cần được hỗ trợ là 83 hộ; số hộ nghèo, cận nghèo thuộc danh sách hỗ trợ từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia là 3.857 hộ; số gia đình nghèo, cận nghèo thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động là 2.541 hộ.

Thực hiện chủ trương có ý nghĩa quan trọng và nhân văn này, trên cơ sở danh sách phê duyệt, các địa phương đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện xây dựng mới, sửa chữa nhà ở theo quy trình, quy định. Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước, các địa phương tổ chức phát động quyên góp ủng hộ chương trình. Song song đó, phân công các lực lượng nòng cốt như: Quân sự, Biên phòng, Công an, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… phụ trách hỗ trợ cụ thể từng hộ triển khai xây dựng mới và sửa chữa nhà ở.

Đoàn viên thanh niên xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) vận chuyển vật liệu giúp hộ nghèo xóa nhà tạm
Đoàn viên thanh niên xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) vận chuyển vật liệu giúp hộ nghèo xóa nhà tạm

Với sự quyết tâm chính trị cao, sau hơn 1 tháng triển khai, thực hiện tỉnh Hà Giang đã khởi công xây dựng được 902 nhà (trong đó xây mới 874 nhà, sửa chữa 28 nhà); hiện có 11 ngôi nhà đã hoàn thành. Quá trình triển khai thực hiện huy động được hơn 8.900 ngày công; trong đó lực lượng vũ trang tham gia hỗ trợ được hơn 5.260 ngày công, các lực lượng khác tham gia được hơn 3.500 ngày công.

Gia đình anh Chu Thống Tài, sinh năm 1990, người dân tộc Dao ở thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, là hộ gia đình đầu tiên có được ngôi nhà mới, kiên cố trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh. Anh Tài có hoàn cảnh vô cùng khó khăn trong nhiều năm qua; nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, sau gần 1 tháng khởi công, xây dựng ngôi nhà có diện tích 73 m2 với tổng kinh phí xây dựng khoảng 100 triệu đồng đã được đưa vào sử dụng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, các cơ quan của thị trấn Tam Sơn hỗ trợ 10 triệu đồng, gia đình đối ứng khoảng 30 triệu đồng cùng sự hỗ trợ ngày công từ các Lực lượng vũ trang, Nhân dân địa phương.

“Từ nay, gia đình tôi yên tâm sinh sống mỗi khi mùa mưa bão đến, hay mùa Đông lạnh giá rồi. Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã hỗ trợ để người nghèo có nhà ở kiên cố”, anh Tài chia sẻ niềm vui trong ngôi nhà mới còn mùi vôi vữa.

Tỉnh Hà Giang đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát để bà con kịp đón tết Nguyên đán 2025 trong ngôi nhà mới
Tỉnh Hà Giang đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát để bà con kịp đón tết Nguyên đán 2025 trong ngôi nhà mới

Được biết, toàn huyện Quản Bạ có 50 hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh. Đây là chương trình có tính nhân văn sâu sắc, quan tâm trực tiếp đến các hộ nghèo nên được cán bộ, đảng viên, Nhân dân trên địa bàn nhiệt tình tham gia. Huyện cũng phấn đấu hoàn thành các ngôi nhà trước tết Nguyên đán để bà con thêm niềm vui đón Tết.

Theo lãnh đạo huyện Vị Xuyên thông tin, đến ngày 4/12, toàn huyện đã có 67/89 hộ được khởi công đạt hơn 75%; trong đó có 58 hộ hoàn thành phần móng, 16 hộ hoàn thành hơn 50% khối lượng công trình, 5 hộ đã lợp mái, các hộ còn lại đang tiếp tục triển khai.

Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương của Hà Giang cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Các hộ nghèo cần hỗ trợ nhà ở đều có kinh tế rất khó khăn, nhiều hộ không có điều kiện bổ sung thêm tiền để làm nhà; khó khăn trong thực hiện vận chuyển vật liệu, giá thành vật liệu tăng cao so với mặt bằng chung; mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ là rất khó khăn trong việc triển khai xây nhà mới bảo đảm tiêu chí diện tích sử dụng, bảo đảm “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Hiện nay, kinh phí chuyển cho Ban Chỉ đạo các huyện chưa đáp ứng được với nhu cầu phấn đấu khởi công trước Tết Nguyên đán…

Xác định chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ và việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện trách nhiệm, đạo lý “thương người như thể thương thân”, góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người nghèo, người yếu thế, để không ai bị bỏ lại phía sau. Thời gian tới, tỉnh Hà Giang tiếp tục huy động sự vào cuộc của lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội và các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ về ngày công, kinh phí để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Vừa triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ nhưng phải gắn với chất lượng…

Mỗi ngôi nhà kiên cố dành cho hộ nghèo được xây dựng lên không chỉ là chỗ ở, mà còn thể hiện sự sẻ chia, chung sức, đồng lòng của cộng đồng, trách nhiệm của xã hội, gửi gắm niềm tin, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, từng bước thoát nghèo.


Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.