Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

"Giữ lửa” văn hóa giữa đại ngàn Trà Bồng

Đình Quang - 16:49, 08/04/2025

Làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng là một trong những bản làng tiêu biểu ở miền núi Quảng Ngãi. Năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ qua đời, 100% người Co trong làng đã tự nguyện mang họ Hồ để tưởng nhớ Bác. Từ đó đến nay, bao thế hệ người Co nơi đây luôn nhắc nhở nhau sống, học tập và làm theo di chúc Bác Hồ để lại. Tiêu biểu trong phong trào này là anh Hồ Văn Nam, con trai của già làng Hồ Văn Thuận.

Nghệ nhân Hồ Văn Nam biểu diễn chiêng Co
Nghệ nhân Hồ Văn Nam biểu diễn chiêng Co

Ngày già làng Hồ Văn Thuận - cha của Hồ Văn Nam qua đời, Nam cầm chiếc điếchthuch trên tay, khấn vái nữ thần Mohuýt cùng các vị thần núi rừng phù hộ cho linh hồn cha sớm siêu thoát. Anh cũng cầu mong gia đình luôn bình an, mạnh khỏe để tiếp tục công việc “giữ lửa” văn hóa Co mà cha để lại.

Từ năm 12 tuổi, Hồ Văn Nam đã yêu tiếng chiêng, tiếng kèn amáp, say mê những nét vẽ, điêu khắc và đan lát của cha. Thuở nhỏ, vào những dịp lễ ăn trâu hay Tết Ngã Rạ, cậu bé Nam thường theo cha học vẽ, học điêu khắc cây nêu và học cách đánh các bài chiêng truyền thống của người Co như chiêng chào khách, tiễn khách hay đấu chiêng.

Nghệ nhân Hồ Văn Nam trong Lễ cúng ăn trâu
Nghệ nhân Hồ Văn Nam trong Lễ cúng ăn trâu

Nhờ chịu khó rèn luyện, đến năm 20 tuổi, Nam đã thành thạo nhiều kỹ thuật khắc họa, kẻ vẽ cây nêu của dân tộc mình. Năm 30 tuổi, anh bắt đầu cùng cha - Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Thuận truyền dạy cho lớp trẻ trong làng cách làm cây nêu truyền thống. Vào mỗi dịp lễ lớn của làng, Nam lại cặm cụi cả tháng trời để dựng cây nêu, làm Gupla phục vụ nghi lễ.

Anh thường nhắc nhở bọn trẻ trong làng: “Mình mang họ Bác Hồ thì càng phải cố gắng học theo Bác, làm tốt những điều Bác dặn trong di chúc. Đặc biệt, với công việc bảo tồn văn hóa, phải học tập suốt đời và làm đều đặn, thường xuyên”.

Hồ Văn Nam còn tạo cho mình thói quen đọc báo, nghe đài để học hỏi cách bảo tồn văn hóa của các dân tộc phía Bắc, trong Nam và vùng Tây Nguyên, với mong muốn làm cây nêu của người Co ngày một độc đáo hơn.

Nghệ nhân Hồ Văn Nam (người bên phải) chuẩn bị dựng cây nêu
Nghệ nhân Hồ Văn Nam (người bên phải) chuẩn bị dựng cây nêu

Về việc đánh chiêng – một phần quan trọng trong đời sống văn hóa người Co – Hồ Văn Nam thường dạy lũ trẻ trong làng phải siêng năng tập luyện. Anh nói: “Phải luyện tập đều đặn thì tay chân mới khỏe, cầm chiêng đánh mới hay, âm vang mới tròn tiếng”.

Nhờ sự tận tâm của anh và sự động viên của già làng, đến nay làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy đã có một đội chiêng hoạt động rất hiệu quả. Các bài chiêng được thể hiện hào sảng, đúng nhịp điệu truyền thống. Đội thường giành giải cao trong các cuộc thi cồng chiêng cấp huyện, cấp tỉnh. Vài năm gần đây, đội còn được mời ra biểu diễn tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội.

Nghệ nhân Hồ Văn Nam (người bên phải) đang học tập Nghệ nhân Nhân dân Hồ Ngọc An, cách làm cây nêu.
Nghệ nhân Hồ Văn Nam (người bên phải) đang học tập Nghệ nhân Nhân dân Hồ Ngọc An, cách làm cây nêu

Tháng 2/2025, Hồ Văn Nam đã được bà con trong làng cùng chính quyền địa phương giới thiệu vào danh sách xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì những đóng góp nổi bật trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc Co, đặc biệt là nghệ thuật cồng chiêng và điêu khắc cây nêu.

Hy vọng rằng năm 2025, bản làng người Co ở Trà Bồng, Quảng Ngãi sẽ có thêm một Nghệ nhân Ưu tú – người tuổi 60 vẫn đam mê “giữ lửa”, góp phần làm rạng rỡ hơn bản sắc văn hóa người Co trên vùng đất quế Anh hùng.


Tin cùng chuyên mục
Đánh thức Bằng Cả

Đánh thức Bằng Cả

Nằm giữa vùng rừng núi thuộc thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), xã vùng cao Bằng Cả - nơi có tới 97% dân số là đồng bào Dao sinh sống, từng là một địa bàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng qua từng bước đi bền bỉ, với quyết tâm không lùi bước, Bằng Cả đã viết nên câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình "thay da đổi thịt" nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới.