Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giáo dục Tây Nguyên chuyển mình đáp ứng yêu cầu đổi mới

PV - 14:35, 11/05/2023

Bằng những chính sách và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng việc triển khai đổi mới phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương, giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ. Hệ thống mạng lưới trường lớp của các địa phương trong vùng được củng cố, phát triển rộng khắp đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của người dân.

Cô và trò Trường THCS Cư Pui (Krông Bông, Đắk Lắk) trong giờ thực hành môn Hóa học. (Ảnh Xuân Kỳ)
Cô và trò Trường THCS Cư Pui (Krông Bông, Đắk Lắk) trong giờ thực hành môn Hóa học. (Ảnh Xuân Kỳ)

Những chuyển biến tích cực

Trong giờ học giáo dục địa phương của học sinh lớp 6, Trường THCS Phan Chu Trinh, xã Cư Né, huyện Krông Búk (Đắk Lắk), em Phạm Cao Nguyên say sưa giới thiệu mô hình nhà sàn dài của người Ê Đê do em tự làm. Phạm Cao Nguyên chia sẻ, nhờ có bài học trong tài liệu giáo dục địa phương mà em biết được về văn hóa, nhà ở, chế độ mẫu hệ của người Ê Đê và có thể giới thiệu cho mọi người hiểu thêm được về những nét đặc sắc văn hóa của các dân tộc trong vùng mà em đã được học.

Cô giáo Lê Thị Bình An cho biết, thời gian đầu khi mới triển khai nội dung giáo dục địa phương còn khá mới mẻ, giáo viên phải tự tìm hiểu các nội dung kiến thức để dạy học. Từ khi có sự hỗ trợ của cuốn Tài liệu giáo dục địa phương được biên soạn công phu, nội dung phong phú, hấp dẫn, gần gũi với đặc điểm tự nhiên, văn hóa, xã hội của địa phương cho nên hoạt động dạy học khá sinh động, hào hứng.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh Nguyễn Thị Hằng cho biết, do nằm trên địa bàn thuộc vùng khó khăn nhất của tỉnh Đắk Lắk cho nên trường có khoảng 70% học sinh dân tộc thiểu số. Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của địa phương, hệ thống trường lớp học ngày càng được kiên cố, bảo đảm không gian, diện tích cho các hoạt động đổi mới dạy học.

Đáng chú ý, những năm gần đây, Dự án THCS vùng khó khăn nhất cũng đầu tư thêm 5 phòng học và phòng bộ môn hơn 80 bộ bàn ghế và trang thiết bị dạy học; phối hợp cùng tỉnh biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương tạo điều kiện thuận lợi giúp giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm học 2022-2023, Trường THCS Phan Chu Trinh có 19 lớp học với 723 học sinh được bảo đảm đủ 19 phòng học, với nhiều phòng được trang bị ti-vi kết nối internet, phòng máy tính, thiết bị đồ dùng… góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Cũng thuộc vùng khó khăn, Trường THCS Cơ Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm khoảng 89,6% và học sinh hộ nghèo, cận nghèo chiếm khoảng 76,5% là một thách thức trong bảo đảm học sinh đi học chuyên cần. Tuy nhiên, bằng việc tận dụng tối đa các nguồn lực, nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, thích ứng với đặc điểm của địa phương cho nên chất lượng giáo dục của trường không ngừng được nâng lên.

Thầy giáo Phan Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Cơ Pui chia sẻ, năm học 2022-2023 hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học và thiết bị thí nghiệm phục vụ dạy học đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, đội ngũ 57 cán bộ quản lý, giáo viên tâm huyết, trong đó có 10 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 27 giáo viên dạy giỏi cấp huyện cho nên các hoạt động dạy học luôn đáp ứng được các yêu cầu đổi mới.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa, những năm qua ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh luôn được quan tâm đầu tư cho nên có những bước phát triển khá toàn diện. Riêng năm học 2022-2023, ngành đã tham mưu kịp thời, hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị dạy học và phân cấp việc mua sắm trang thiết bị phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Ngoài ra, nhiều chương trình, dự án của các bộ, ngành, đơn vị cũng được triển khai góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh. Điển hình như Dự án THCS vùng khó khăn nhất đầu tư cơ sở vật chất phòng học, phòng thí nghiệm, phòng nội trú, trang thiết bị hỗ trợ dạy học tại vùng sâu, vùng xa sáu huyện của tỉnh đã đáp ứng được mục tiêu hỗ trợ cho giáo dục; giúp rút ngắn được khoảng cách giáo dục vùng khó khăn với vùng phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng tổ chức rà soát quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tính đến hết năm học 2021-2022 đã sáp nhập 40 trường.

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 89 trường học ngoài công lập. Về đội ngũ, địa phương cũng dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch để đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng… Với sự quan tâm đồng bộ, đến nay tỉnh Đắk Lắk đã đạt và vượt các chỉ tiêu được giao về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Toàn tỉnh có 1.009 trường học các cấp, trong đó phòng học kiên cố đạt 71,9%; đạt tỷ lệ 0,98 phòng học/lớp…

Không chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, vùng Tây Nguyên hiện nay có hệ thống mạng lưới trường lớp học được củng cố và phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Toàn vùng hiện có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, về cơ bản, vùng Tây Nguyên không còn xã trắng về giáo dục mầm non, tiểu học, tạo cơ hội cho trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Các trường học trong vùng đã xây dựng được 3.051 phòng học bộ môn, đạt tỷ lệ 2,4 phòng/trường. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,6%, cao hơn so với bình quân cả nước; 5/5 trong vùng đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học…

Tăng đầu tư, sắp xếp lại trường lớp

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song với điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn khiến quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục vùng Tây Nguyên vẫn gặp không ít khó khăn. Hệ thống trường lớp rộng khắp nhưng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của vùng Tây Nguyên chưa cao; trong đó, mầm non đạt tỷ lệ 42,23%, tiểu học 59,14%, THCS 50,49%, THPT là 35,58%. Một số trường thiếu các phòng học, phòng học bộ môn, khối phòng hành chính, dẫn đến chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho các công trình nước sạch, nhà vệ sinh trong trường học.

Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh lưu ban cấp tiểu học cao hơn 0,56% và THCS cao hơn 0,99% so với bình quân cả nước; tỷ lệ học sinh bỏ học cao hơn bình quân chung cả nước, trong đó, tỷ lệ học sinh tiểu học bỏ học là 0,11%, THCS là 0,86% và THPT là 1,32%. Năm học 2021-2022, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT toàn vùng đạt 97,77% (thấp hơn bình quân cả nước 0,8%).

Để giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên phát triển, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa từ các bộ, ngành cũng như mỗi địa phương trong vùng. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết, để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tham mưu cho tỉnh sửa đổi, bổ sung việc sắp xếp lại trường lớp hợp lý hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục ở những địa bàn có điều kiện; sử dụng các quỹ đất sạch, kêu gọi nhà đầu tư cơ sở vật chất. “Đó là những nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức của địa phương nhưng do đặc thù của vùng cho nên các địa phương cũng mong muốn có thêm nhiều chương trình, dự án hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành”- ông Phạm Đăng Khoa chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh nêu thực tế trong những khó khăn của vùng Tây Nguyên chính là tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và cơ học do di dân tự do đều rất cao. Mỗi năm, riêng tỉnh Đắk Nông tăng thêm hàng nghìn học sinh do di dân tự do, do đó giáo viên đã thiếu lại càng thiếu hơn. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng để phát triển giáo dục vùng Tây Nguyên cần chính sách phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tăng cường các nguồn đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới khó khăn một cách thực sự hiệu quả.

Ngoài ba chương trình mục tiêu quốc gia (nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển dân tộc miền núi) cần thêm những chương trình khác bởi cơ sở vật chất, trang thiết bị các tỉnh vùng khó còn thiếu rất nhiều.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên, cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, giảm các điểm trường lẻ để bảo đảm cho trẻ em, học sinh được chăm sóc, giáo dục ở các điểm trường trung tâm. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và quy mô phát triển của từng địa phương trong vùng. Ngành giáo dục các tỉnh trong vùng cần đổi mới phương pháp và đa dạng hóa hình thức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Đổi mới cơ cấu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo hướng tăng chi đầu tư để bảo đảm cơ sở vật chất và tăng cường quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục trong vùng; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia với các dự án thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn của các địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhà công vụ cho giáo viên. Xây dựng phương án bố trí, sắp xếp giáo viên dạy liên trường bảo đảm giáo viên thực hiện đủ định mức chế độ làm việc theo quy định.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, với đặc điểm của một vùng nhiều khó khăn, giáo dục Tây Nguyên đang phải thực thi nhiệm vụ nặng nề hơn so với các vùng khác là vừa phải giải quyết khó khăn để theo kịp các vùng khác lại vừa phải thực hiện đổi mới. Vì vậy, các địa phương cần dành sự ưu tiên cao độ đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên.

Các sở giáo dục và đào tạo tham mưu kịp thời để tháo gỡ khó khăn, tập trung cho kiên cố hóa trường học, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương sẽ cùng cố gắng cho sự phát triển giáo dục và đào tạo nói chung; giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên nói riêng…