Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ: Một mô hình hay nhưng thiếu nguồn lực (Bài 1)

Hiếu Anh - 12:50, 08/03/2021

Trước đây, nhiều người vẫn quan niệm khác biệt ngôn ngữ là rào cản trong giao tiếp, giáo dục cũng như phát triển tư duy cho học sinh vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh sự đa dạng ngôn ngữ không phải là rào cản, mà là vẻ đẹp trong văn hóa; thậm chí còn là nền tảng giúp cho học sinh phát triển tư duy các môn học khác. Bởi vậy, thời gian qua, việc triển khai giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại một số địa phương được đánh giá là mô hình hay và mang lại nhiều hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS

GDSNTCSTMĐ từ học sinh 5 tuổi giúp các em tiếp thu nhanh hơn
GDSNTCSTMĐ từ học sinh 5 tuổi giúp các em tiếp thu nhanh hơn

Kết quả tích cực

Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho biết, thời gian qua, Hội đồng Dân tộc đã thực hiện giám sát, đánh giá thực trạng giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (GDSNTCSTMĐ) tại 2 tỉnh Lào Cai và An Giang.

Tại Lào Cai, ngành giáo dục đã thử nghiệm phương pháp cho 2 lứa học sinh (lứa thứ nhất từ 2008 – 2014; lứa thứ 2 từ 2009 – 2015). Sau đó, tỉnh nhân rộng mô hình từ 5 trường mầm non 4 trường tiểu học năm học 2009 – 2011 lên 5 trường mầm non, 9 trường tiểu học năm 2020 – 2021.

Thông qua phương pháp này, học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhanh nhạy hơn. Nhờ được dạy học bằng tiếng mẹ đẻ mà các em đã có thể chủ động tiếp cận kiến thức, qua đó phát triển tư duy. Qua thực tiễn chứng minh, các em học sinh được học tập bằng phương pháp GDSNTCSTMĐ học toán tốt hơn các em không học theo mô hình. Hơn nữa, học tiếng mẹ đẻ trước có tác động hỗ trợ tích cực kỹ năng nghe nói đọc viết tiếng việt cho học sinh DTTS.

Không chỉ giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách thuận lợi, GDSNTCSTMĐ giúp các em tự tin mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Qua khảo sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, học sinh được giáo dục theo phương pháp GDSNTCSTMĐ,tự điều hành các hoạt động tập thể tốt hơn so với học sinh các lớp không học song ngữ.

Học sinh học tập theo phương pháp GDSNTCSTMĐ, cũng đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Cụ thể, tại Lào Cai có 26 em học tập theo phương pháp GDSNTCSTMĐ đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Tỷ lệ học sinh học GDSNTCSTMĐ thi tuyển các trường PTDTNT huyện Sa pa, Bắc Hà, SiMaCai, Mường Khương đạt điểm cao hơn so với học sinh không học theo mô hình.

Tại An Giang, mô hình thực hiện cũng đạt được nhiều kết quả khả quan.  Hàng năm học sinh tham gia các lớp học GDSNTCSTMĐ đạt chất lượng tốt, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học, hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 95%. Tỷ lệ học sinh người dân tộc Khmer, được tuyển vào trường PTDTNT huyện Tịnh Biên cao hơn so với học sinh không học theo chương trình. Tỷ lệ chuyên cần, duy trì sĩ số đạt cao, ít có học sinh bỏ học. Điều quan trọng, những học sinh học chương trình GDSNTCSTMĐ phát triển bản thân rất tốt, các em linh hoạt và hòa nhập cộng đồng tốt hơn. 

Qua thực tiễn 2 năm giảng dạy song ngữ đã chứng minh, các em học sinh được học tập bằng phương pháp giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (GDSNTCSTMĐ) học toán tốt hơn các em không học theo mô hình. Hơn nữa, học tiếng mẹ đẻ trước có tác động hỗ trợ tích cực kỹ năng nghe nói đọc viết tiếng việt cho học sinh DTTS.

Thiếu nguồn lực

Nói về quá trình GDSNTCSTMĐ, ông Đặng Vũ Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội cho biết, trước đây Việt Nam đã có giáo dục song ngữ. Tuy nhiên, áp dụng không thống nhất trên cả nước. Đến 15/8/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam ký biên bản ghi nhớ. Hai bên thống nhất thực hiện thành công “nghiên cứu thực hiện giáo duc ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ”. Thực hiện bản ghi nhớ này, từ năm học 2008 – 2009 đến năm hoc 2014 – 2015, Việt Nam thực hành thử nghiệm giáo dục GDSNTCSTMĐ với học sinh mẫu giáo 5 tuổi và tiểu học người Mông tại Lào Cai, học sinh Jrai tại Gia Lai và học sinh Khmer. Sau giai đoạn thử nghiệm, 2 địa phương tiếp tục nhân rộng là Lào Cai và An Giang. Về hành lang pháp lý, ngày 15/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2010/NĐ- Cp Quy định việc dạy và hoc tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Qua quá trình thực hiện, cho thấy mô hình GDSNTCSTMĐ rất hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS, từ đó, chúng ta có thể nhận rộng ra các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, về mặt pháp lý cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Ông Đặng Vũ Hải nhấn mạnh, mặc dù GDSNTCSTMĐ là một mô hình hay, tuy nhiên mô hình chưa tương tích với chương trình giáo dục phổ thông đổi mới (tính phù hợp mới đạt khoảng 65,8%). Đồng thời, chỉ số về khả năng đáp ứng (tài chính, cơ sở vật chất…) của địa phương trong thực hiện chương trình cũng rất thấp khoảng 46,15%.

Điều này xuất phát từ thực tiễn còn nhiều khó khăn của các địa phương; cũng như thiếu đồng bộ trong hành lang pháp lý. Hiện nay, chúng ta chưa có sách giáo khoa song ngữ, đội ngũ giáo viên để dạy song ngữ cũng rất thiếu và rất yếu chưa đạt yêu cầu theo quy định, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng không đảm bảo.

Rõ ràng, những khó khăn trên đặt ra tính bức thiết cần phải chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục song ngữ trong thời gian tới, nhất là sau khi Quốc hội đã thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.