Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giải thưởng Lê-nin, phần thưởng cao quý trao tặng Tổng Bí thư

PV - 11:30, 23/12/2021

Giải thưởng Lê-nin của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên bang Nga ra đời tháng 6 năm 1925, là phần thưởng cao quý nhất dành trao tặng những tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong hoạt động xã hội, góp phần thúc đẩy công bằng, nhân văn và tiến bộ xã hội; vì sự nghiệp bảo vệ và hiện thực hóa những giá trị của chủ nghĩa xã hội,... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vinh dự đón nhận giải thưởng cao quý này không chỉ là niềm tự hào đối với cá nhân mà còn là vinh dự của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ trao tặng Giải thưởng Lê-nin. Ảnh TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ trao tặng Giải thưởng Lê-nin. Ảnh TTXVN

Buổi lễ trao Giải thưởng Lê-nin tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới được tổ chức trọng thể trong không khí thắm tình đồng chí, anh em tại Trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, không những là một kỷ niệm rất sâu sắc đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta mà còn là sự kiện quan trọng, ghi thêm dấu ấn vào quá trình phát triển bền vững, thủy chung trong quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng Cộng sản và nhân dân hai nước Việt Nam, Liên bang Nga. Đồng chí Lê-ô-nhít Ka-lát-xnhi-cốp, Phó Chủ tịch Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về khối Cộng đồng các quốc gia độc lập, Liên kết Á-Âu và Kiều bào của Đu-ma Quốc gia Nga, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga chúc mừng và trân trọng trao tặng Tổng Bí thư Giải thưởng cao quý này.

Tôn vinh những người đóng góp xuất sắc trong hoạt động xã hội

Giải thưởng Lê-nin là một giải thưởng lớn tôn vinh những tập thể, cá nhân có công đóng góp xuất sắc trong hoạt động xã hội, góp phần thúc đẩy công bằng, nhân văn và tiến bộ xã hội; vì sự nghiệp bảo vệ và hiện thực hóa những giá trị của chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là phần thưởng dành cho những người làm công tác nghiên cứu và thực tiễn vì đã góp phần làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Giải được xét tặng hằng năm thông qua Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga vào dịp ngày sinh của nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài V.I.Lê-nin (22/4/1870-21/1/1924). Tư tưởng của Lê-nin là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh, vì tiến bộ và công bằng xã hội trên toàn thế giới; và chính tư tưởng của Người đã giúp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp cho cách mạng Việt Nam.

Ra đời gần 100 năm, nhưng số tập thể, cá nhân được nhận Giải thưởng không nhiều. Một số nhà lãnh đạo được vinh danh trong danh sách quý này như các đồng chí: L.Bre-dơ-nhép, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng Tối cao Đảng Cộng sản Liên Xô (năm 1973); Phi-đen Ca-xtrô, Chủ tịch Cu-ba, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba (1961),v.v. Ở Việt Nam, Giải thưởng mới trao cho hai người: Tổng Bí thư Lê Duẩn (1980) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ (1985).

Một điều thật ý nghĩa là phía bạn đã có ý chọn ngày 14/4/2020, đúng kỷ niệm lần thứ 76 ngày sinh (14/4/1944) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thông qua Nghị quyết trao tặng Giải thưởng cho năm tập thể và cá nhân, nhân dịp kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của Lê-nin. Đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết nêu rõ: “Đã có những đóng góp cá nhân to lớn vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển phong trào cộng sản trong giai đoạn hiện nay; nhiều năm hoạt động nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lê-nin; nghiên cứu khoa học những vấn đề thời sự của chủ nghĩa xã hội khi còn là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và Chủ tịch Hội đồng Lý luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; có những nỗ lực không ngừng nhằm củng cố quan hệ hữu nghị và anh em giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên bang Nga”.

Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trao tặng Giải thưởng cao quý này thể hiện sự trân trọng, đánh giá cao của Đảng Cộng sản Liên bang Nga, nhân dân Nga đối với những nỗ lực không ngừng của Đảng và nhân dân ta trong quá trình hiện thực hóa tư tưởng của Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây không chỉ là sự ghi nhận đối với cá nhân mà còn thể hiện sinh động sự gắn bó giữa của Đảng Cộng sản Liên bang Nga, đất nước và nhân dân Nga đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; thể hiện truyền thống quan hệ đặc biệt giữa Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam với Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay.

Xứng đáng với niềm tin yêu của hai đảng và nhân dân hai nước

Đánh giá về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng Cộng sản Liên bang Nga trong nghị quyết nêu trên được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta ghi nhận và cho rằng rất xứng đáng. Như người xưa nói thì đã thuộc “lớp người xưa nay hiếm”, nhưng Tổng Bí thư vẫn một lòng hết mình với công việc, vì lợi ích chung của dân tộc của Đảng và nhân dân, ở cương vị công tác nào cũng vậy. Đặc biệt là từ khi làm Tổng Bí thư, đến nay là nhiệm kỳ thứ ba, đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho từng bước phát triển toàn diện, bền vững của đất nước.

Dưới sự chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Tổng Bí thư, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã làm nên những kết quả nức lòng nhân dân và sự kính phục của bạn bè quốc tế, nhờ đó mà niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố, phát triển bền vững. Sau 35 năm đổi mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đánh giá cao vai trò của người đứng đầu, trên các trang mạng xã hội, các báo những năm gần đây, có nhiều bài viết của người dân ở khắp mọi miền đất nước bày tỏ tình cảm kính trọng và ngưỡng mộ gọi Tổng Bí thư là “Tổng tư lệnh của lòng dân”; là nhà lãnh đạo gần gũi, giản dị, trong sáng, liêm khiết, không màng danh vọng, một lòng, một dạ vì sự nghiệp chung của Đảng, dân tộc.

Đất nước phát triển toàn diện, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, làm lan tỏa niềm tin về chủ nghĩa xã hội ở nhiều quốc gia, khu vực. Vì thế mà Nghị quyết của Đảng Cộng sản Liên bang Nga khẳng định Tổng Bí thư có “những đóng góp cá nhân to lớn vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển phong trào cộng sản trong giai đoạn hiện nay”.

Là nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, Tổng Bí thư không những cùng toàn Đảng, toàn dân ta từng bước hiện thực hóa lý tưởng của chủ nghĩa xã hội ở một đất nước vốn nghèo nàn, lạc hậu ngày càng phát triển toàn diện cả về kinh tế, chính trị, xã hội mà còn có nhiều công trình nghiên cứu công phu, xuất sắc, đóng góp thiết thực vào việc bổ sung, phát triển, làm phong phú thêm lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là kết quả, công sức của hàng chục năm dày công nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và trực tiếp lãnh đạo đất nước tiếp tục công cuộc đổi mới, để giải đáp thỏa đáng những vấn đề đặt ra với tư duy, tầm nhìn mới toàn diện và sâu sắc,... Những bài viết ấy thật sự có sức truyền cảm hứng và niềm tin mãnh liệt vào chủ nghĩa xã hội.

Khi bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” được công bố trung tuần tháng 5 năm 2021, đến nay đã có hàng trăm bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo trong và ngoài nước, của nhân dân ta ở mọi miền Tổ quốc coi bài viết của Tổng Bí thư như một công trình nghiên cứu khoa học giàu tính lý luận và thực tiễn, rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay và cho rằng bài viết đã giúp người đọc nhận thức rõ, đầy đủ, toàn diện hơn về con đường Việt Nam đang đi, đích Việt Nam sẽ đến. Đọc cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam-Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” mới phát hành gần đây thấy rất rõ điều ấy.

50 bài trao đổi, đánh giá của các nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế được tuyển chọn in trong cuốn sách đánh giá rất cao bài viết của Tổng Bí thư. Nhiều tác giả cho rằng, bài viết “được ví như một giáo trình có giá trị khoa học cao, định hướng cho hoạt động của nhà tư tưởng, lý luận, chiến sĩ cách mạng, cán bộ, đảng viên của các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa”; “góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; “có giá trị tham khảo cho các quốc gia đang trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng như công tác nghiên cứu lý luận, thực tiễn”,v.v.

Đối với Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Liên bang Nga ngày nay cũng như Liên Xô trước đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều kỷ niệm sâu sắc từ thời thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa Xây dựng Ðảng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô (9/1981 - 7/1983); có nhiều đóng góp củng cố và tăng cường mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai đảng cộng sản và nhân dân hai nước.

Khi là Chủ tịch Quốc hội, là Tổng Bí thư, đồng chí đã nhiều lần thăm chính thức đất nước vĩ đại và giàu lòng mến khách này. Những năm gần đây, khi hội đàm trực tiếp, hoặc điện đàm với Tổng thống V.Pu-tin, hai nhà lãnh đạo đều trao đổi thân tình, thúc đẩy đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới, vì sự phát triển của mỗi nước và tiến bộ xã hội của nhân loại.

Vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 76 của mình, Tổng Bí thư đang toàn tâm, toàn ý cùng Trung ương Đảng và cả hệ thống chính trị dồn sức chống đại dịch Covid-19, coi tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trước hết, trên hết; tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện, biến Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thành hiện thực sinh động; không thể nghĩ đến sẽ được đón nhận một niềm vinh dự lớn như vậy. Đó là phần thưởng xứng đáng với niềm tin yêu của hai đảng cộng sản và nhân dân hai nước Việt Nam, Liên bang Nga đối với Tổng Bí thư.

Tin cùng chuyên mục
Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) đã phát huy vai trò của mình, chung tay, góp sức cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, Người có uy tín là một “kênh truyền thông” hữu hiệu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) đến với Nhân dân.