Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giải pháp phát triển bền vững vùng cây ăn trái Nam bộ

PV - 15:08, 27/08/2018

Vùng Nam bộ có diện tích trồng cây ăn trái chiếm gần 50% tổng diện tích cây trái của cả nước. Khu vực này có nhiều loại cây ăn quả đã có chỉ dẫn địa lý, tạo được thương hiệu và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng một số nhà vườn chạy theo lợi nhuận, tăng số lượng, buông dần chất lượng, khiến chất lượng một số loại cây ăn quả bị ảnh hưởng, giảm dần niềm tin và thương hiệu.

Nguy cơ đánh mất thương hiệu

Đây là vấn đề được rất nhiều nhà vườn, chuyên gia nông nghiệp, lãnh đạo địa phương một số tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn quan tâm, bàn thảo tại Diễn đàn “Giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả vùng Nam bộ” vừa được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long. Hầu hết các ý kiến cho rằng, cần có giải pháp kịp thời để nâng cao nhận thức, kỹ năng sản xuất của người dân, đảm bảo phát triển bền vững vùng cây ăn trái Nam bộ.

Các đại biểu tham quan mô hình liên kết sản xuất- tiêu thụ bưởi năm roi tại Bình Minh, Vĩnh Long. Các đại biểu tham quan mô hình liên kết sản xuất- tiêu thụ bưởi năm roi tại Bình Minh, Vĩnh Long.

Tại Diễn đàn, Tiến sĩ Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phân tích, những năm gần đây, ngành hàng rau quả nước ta phát triển vượt bậc, trong đó tăng trưởng chủ yếu là mặt hàng trái cây. Hiện, cả nước có trên 850 nghìn ha cây ăn quả, tăng 10% tổng diện tích trong 5 năm qua. Đặc biệt, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả, chủ yếu là trái cây, năm 2017 đạt 3,45 tỷ USD, tăng 2 tỷ USD so với năm 2016.

Tại khu vực Nam bộ, nơi chiếm tới 50% diện tích cây ăn trái của cả nước, nhờ việc ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh, sử dụng giống mới mà năng suất và chất lượng các loại trái cây không ngừng tăng lên. Đặc biệt là bưởi da xanh, sầu riêng, thanh long và chôm chôm. Đối với cây nhãn, nhờ áp dụng biện pháp canh tác tổng hợp đã hạn chế được bệnh chổi rồng, năng suất từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rõ, sản xuất trái cây của các tỉnh Nam bộ vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; tình hình sâu bệnh ngày càng phức tạp; diễn biến được mùa mất giá liên tiếp xảy ra… “ Đặc biệt thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số nhà vườn chạy theo lợi nhuận, tăng số lượng, buông dần chất lượng khiến chất lượng một số loại cây ăn quả bị ảnh hưởng, giảm dần niềm tin và thương hiệu”, ông Khởi nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Liên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cũng cho biết, hiện nay cây có múi đang được tỉnh Vĩnh Long xác định là cây chủ lực. Tuy nhiên thời gian gần đây xuất hiện nhiều dịch bệnh, giá cả bấp bênh, tình trạng được mùa mất giá liên tiếp diễn ra; một số nhà vườn vì chạy theo số lượng đủ cung cấp cho thị trường mà bỏ quên chất lượng. Ngay tại địa phương, trái cam của Vĩnh Long cũng đang bị khách hàng đánh giá chất lượng không được như trước đây, khi đưa ra thị trường khó cạnh tranh với các vùng khác.

Cần sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững

Với những vấn đề tồn tại được nêu lên, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng, định hướng phát triển sản xuất cây ăn trái vùng Nam bộ trong thời gian tới cần hình thành vùng trồng cây ăn quả chủ lực; trồng tập trung theo hướng đảm bảo năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh... Đặc biệt, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, hình thành quan hệ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất...

Thông tin về giải pháp, chủ trương của địa phương về phát triển cây ăn trái bền vững, bà Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang chia sẻ, Tiền Giang hiện đứng đầu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long về diện tích cây ăn trái. Theo định hướng của tỉnh đến năm 2020, diện tích trồng cây ăn trái sẽ đạt 77.500ha, sản lượng dự kiến 1,6 triệu tấn quả; trong đó diện tích trồng theo tiêu chuẩn GAP chiếm từ 15-20%.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đang rà soát, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung cho từng loại sản phẩm. Đồng thời, quản lý và hướng dẫn thực hiện các khâu từ sản xuất cây giống đến khi thu hoạch theo quy trình đạt chuẩn GAP. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị bền vững bằng việc xây dựng mô hình HTX Nông nghiệp, có sự tham gia của doanh nghiệp (đảm bảo cả đầu vào và đầu ra).

SONG VY