Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giải pháp nào cho an ninh bệnh viện?

PV - 10:57, 16/07/2019

Thời gian gần đây, tình trạng bác sĩ bị đánh, an ninh an toàn bệnh viện và cả của bệnh nhân bị đe dọa xuất hiện ngày càng nhiều, gây lo lắng cho ngành Y tế và cả người dân. Làm cách nào để đảm bảo an ninh an toàn cho bệnh viện và bệnh nhân là một nỗi trăn trở của ngành Y.

Cần tăng cường an ninh bệnh viện cho cả đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân. Ảnh (TL) Cần tăng cường an ninh bệnh viện cho cả đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân. Ảnh (TL)

Nhức nhối tình trạng bạo hành bác sĩ

18h40 ngày 26/6 vừa qua, tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, khi bác sĩ Nguyễn Lan Hương đang trực khoa Sản thì một người đàn ông tiến vào phản ứng gay gắt với nữ hộ sinh của khoa về việc loa thông báo hú inh ỏi. Bác sĩ Hương giải thích là đang kêu bộ phận quản trị tòa nhà đến giải quyết, đồng thời, mời người đàn ông này ra ngoài (khu vực không cho bệnh nhân vào). Bất ngờ, người đàn ông đấm vào vùng mắt bên trái khiến bác sĩ Hương choáng váng, gãy kính. Đây chỉ là một trong số ít những trường hợp bạo lực xảy ra ở bệnh viện.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, các vụ việc bạo lực xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.

Bạo lực trong bệnh viện dường như có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, gây ra sự bức xúc cho xã hội. Chỉ cần gõ cụm từ “bác sĩ bị bạo lực” tìm kiếm trên mạng Internet (Google) chỉ trong 0,5 giây xuất hiện đến hơn 9 triệu kết quả. Đây là một thực trạng đáng báo động không chỉ với ngành Y mà còn với toàn xã hội.

Khi những y, bác sĩ bị hành hung, chắc chắn niềm yêu nghề, nhiệt huyết và sự tự tin sẽ giảm đi rất nhiều. Không ai có thể làm tốt công việc khi bị đối xử tệ bạc bởi chính đối tượng phục vụ của mình. Đó có thể là lý do xảy ra tai biến y khoa, ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh khi an ninh bệnh viện bị đe doạ.

Giải pháp đảm bảo an ninh bệnh viện

Theo chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, bệnh viện là môi trường công cộng vô cùng nhạy cảm và đặc thù, phức tạp vì tập trung đông người, là cơ hội tốt cho các đối tượng trộm cắp, côn đồ, cò mồi hoạt động. Đặc biệt, những sự cố tai biến y khoa là không tránh khỏi, kéo theo sự bức xúc của gia đình bệnh nhân, dễ dẫn đến ẩu đả, hành hung nhân viên y tế.

Y đức, sự thiếu chuyên nghiệp, kỹ năng nắm bắt tâm lý, thái độ ứng xử của một bộ phận cán bộ nhân viên y tế chưa thực sự tốt, khiến bệnh nhân và người nhà bức xúc và dẫn tới những hành vi khó kiểm soát hơn.

Đề ra giải pháp giải quyết vấn nạn này, ông Hiếu cho rằng, cần thực hiện nghiêm túc 12 điều y đức và Quy chế ứng xử ban hành theo Thông tư 07/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh. Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và Công an, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh.

Về phía các bệnh viện, nên lựa chọn lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, chủ động cùng đơn vị dịch vụ bảo vệ chủ động xây dựng chức năng, nhiệm vụ, xây dựng chi tiết các vị trí bảo vệ, xây dựng bố trí các ca trực và các phương án nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện.

Đặc biệt, chuyên gia Đào Trung Hiếu nhấn mạnh đến thái độ ứng xử của đội ngũ y bác sĩ khi tiếp khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân. Theo đó, với những tình huống bệnh lý phức tạp (bệnh nhân nguy kịch, biến chứng xấu…) các y bác sĩ cần có sự cảnh giác đề phòng, nên giữ khoảng cách an toàn, hạn chế tiếp xúc quá gần. Nếu thấy câu chuyện diễn biến theo chiều hướng căng thẳng, nảy sinh cãi vã, đôi co, nhân viên y tế cần mềm mỏng lắng nghe rồi tìm cách rời đi, không đứng lại tranh luận đúng sai rồi bấm chuông báo động hoặc gọi lực lượng bảo vệ đến xử lý, đưa kẻ quá khích ra ngoài. Những kỹ năng phòng vệ này có thể giúp y bác sĩ chủ động thoát khỏi những tình huống nguy hiểm.

Bên cạnh đó, nhờ công nghệ 4.0, có thể áp dụng những giải pháp như, cung cấp thẻ có gắn chip có thể báo động toàn bệnh viện nếu có tình trạng nhân viên y tế bị đe dọa hoặc hành hung, hoặc gắn khóa từ vào các vị trí dễ xảy ra tranh cãi tại bệnh viện như khoa nhi, khoa cấp cứu, đơn vị điều trị bệnh nhân tâm thần…

Lắp đặt đầy đủ hệ thống camera trong các phòng khám, điều trị, hành lang, khuôn viên… kết nối với trung tâm điều hành bảo vệ. Thiết lập đường dây nóng với công an cơ sở (phường xã) nơi bệnh viện đóng trụ sở, lắp đặt hệ thống chuông báo động an ninh để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp.

HỒNG PHÚC