Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giải pháp cơ bản và cấp bách về chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số nước ta hiện nay

Việt Cường - 21:44, 14/12/2020

Chiều 14/12/2020, tại Trụ sở Ủy ban Dân tộc (UBDT), Văn phòng Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 (CTDT/16-20) tổ chức phiên họp Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu đề tài cấp quốc gia “Những giải pháp cơ bản và cấp bách về chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nước ta hiện nay”. GS. TS. Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế là Chủ tịch Hội đồng.

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Tham dự phiên họp có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, đại diện Vụ Tổng hợp (UBDT), Bộ KH&CN và một số nhà khoa học.

Đề tài “Những giải pháp cơ bản và cấp bách về chăm sóc sức khỏe đồng bào DTTS nước ta hiện nay” mã số CTDT.46.18/16-20 do PGS. TS. Hoàng Văn Minh làm Chủ nhiệm, Trường Đại học Y tế Công cộng tổ chức chủ trì triển khai.

Mục tiêu của Đề tài là đánh giá kết quả, hiệu quả và tác động của các chính sách chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS tại Việt Nam; trên cơ sở đó, xác định các vấn đề cơ bản và cấp bách về thực trạng sức khỏe và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS đến năm 2030.

Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, Đề tài đã xây dựng khung lý thuyết cho công tác nghiên cứu về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung nghiên cứu các chỉ số như: quản trị hệ thống y tế, phát triển nguồn nhân lực y tế, đảm bảo nguồn tài chính y tế; đảm bảo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuốc, dược phẩm; phát triển hệ thống thông tin y tế; và một số chỉ tiêu như dân tộc, tuổi, giới tính, học vấn, nghề nghiệp, tôn giáo, thu nhập; các yếu tố tác động như: kiến thức, thái độ, hành vi, tập quán, lối sống liên quan đến sức khỏe... Đề tài đã triển khai khảo sát tại 12 tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống với tổng số 7.169 người DTTS tham gia nghiên cứu định lượng; 120 cuộc phỏng vấn sâu và 52 cuộc thảo luận nhóm.

Từ các kết quả nghiên cứu, phân tích, khảo sát, Đề tài đã đưa ra các nhóm kiến nghị và giải pháp gồm: Củng cố và phát triển hệ thống y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ; phát triển nguồn nhân lực y tế; tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và thuốc; củng cố hệ thống thông tin và nâng cao kiến thức, thái độ, hành vi có liên quan đến sức khỏe...

Đánh giá Ban Chủ nhiệm Đề tài đã triển khai nghiên cứu công phu, nghiêm túc, với hệ thống chỉ tiêu, số liệu đa dạng và phong phú; sản phẩm đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, đạt và vượt yêu cầu. Góp ý để hoàn thiện Đề tài, các thành viên Hội đồng đề nghị cần phân tích sâu hơn về  sự phối hợp liên ngành trong chăm sóc sức khỏe; khai thác rõ hơn các kết quả nghiên cứu có liên quan, đặc biệt là của một số tổ chức phi chính phủ; dự đoán một số mô hình triển khai công tác chăm sóc sức khỏe khi có sự tác động của một số yếu tố như kinh tế, công nghệ thông tin, truyền thông, dịch bệnh...

Ngoài ra, Đề tài cần có những phân tích, đối sánh cụ thể với các số liệu trong kết quả Điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS năm 2019; chỉ rõ các yếu tố quan trọng, đề từ đó đề xuất các giải pháp cấp bách, phù hợp; bổ sung các đề xuất, kiến nghị cụ thể hơn trong triển khai các tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi...

Kết thúc phiên họp, các thành viên Hội đồng thống nhất đánh giá Đề tài nghiệm thu ở mức “Xuất sắc” và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu, hoàn thiện theo các ý kiến góp ý của Hội đồng.