Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giai đoạn 2021 - 2025, TP. Đà Nẵng phục hồi 2.000ha rừng

PV - 10:58, 20/09/2021

UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt “Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Hiện trường một vụ cháy rừng tại huyện Hòa Vang, năm 2019
Hiện trường một vụ cháy rừng tại huyện Hòa Vang, năm 2019

Mục tiêu của chiến lược là xây dựng ngành Lâm nghiệp Thành phố trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; bảo đảm sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ che phủ rừng toàn thành phố ổn định ở mức từ 47% trở lên; có 46% rừng tự nhiên trên tổng diện tích rừng tự nhiênnghèo kiệt và rừng tự nhiên phục hồi được nâng cấp chất lượng; trồng rừng sản xuất đạt 6.500ha; phục hồi 2.000ha rừng gỗ tự nhiên nghèo kiệt và rừng gỗ non phục hồi; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 1.000 ha.

Đến năm 2025, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng phấn đấu đạt 60.000m3; giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020. Tỷ lệ lao động việc làm trong lâm nghiệp được đào tạo nghề đạt 45%, bảo đảm bình đẳng giới. Có 50% hộ miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa; mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số làm lâm nghiệp tăng trên 2 lần so với năm 2020, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm hơn 3%…

Chiến lược đã đề ra các định hướng phát triển, bao gồm thực hiện điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng TP. Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; phát triển rừng; sử dụng rừng; phát triển công nghiệp chế biến, thương mại lâm sản nhằm tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu, tập trung phát triển các mặt hàng sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao và bền vững; phát triển cơ giới hóa công nghệ chế biến lâm sản, tổ chức tốt việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ, lâm sản./.