Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giai đoạn 2021 - 2025, Nghệ An phấn đấu đào tạo nghề cho trên 329.000 người

T.Hải - 14:12, 28/03/2022

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án 14 ngày 25/1/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Học nghề tại Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bắc Nghệ An. (Ảnh tư liệu)
Học nghề tại Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bắc Nghệ An. (Ảnh tư liệu)

Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An phấn đấu đào tạo 329.400 lượt người, gồm các cấp trình độ: Cao đẳng 26.300 người; trung cấp 48.500 người; sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 254.600 người.

Mục tiêu của kế hoạch phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm sau tốt nghiệp bình quân chung đạt 80,9% (trình độ cao đẳng 96,1%, trung cấp đạt 95,4%, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 77,1%); có 3 - 5 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,5%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 31% vào cuối năm 2025 (riêng vùng đồng bào DTTS, miền núi đạt 64,1%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 23,5%). Phấn đấu khoảng 75% chương trình ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia...

Đến năm 2030, Nghệ An phấn đấu đào tạo kỹ năng nghề giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến khoảng 329.700 lượt người, gồm các cấp trình độ: Cao đẳng 31.950 người (tăng 21,48% so với giai đoạn 2021 - 2025); trung cấp 57.750 người (tăng 19,07%); sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 240.000 người (giảm 5,73%). Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp bình quân chung đạt 83,3%; trong đó: Trình độ cao đẳng 98,4%; trung cấp đạt 97,5%; sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đạt 78,2%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 37,8% vào cuối năm 2030 (riêng vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 70%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 31,5%). Phấn đấu có 1 - 2 trường chất lượng cao đạt chuẩn tương đương với chuẩn của các nước ASEAN-4.

Lớp học may của Trường Trung cấp Dạy nghề nông thôn Nghệ An. (Ảnh tư liệu)
Lớp học may của Trường Trung cấp Dạy nghề nông thôn Nghệ An. (Ảnh tư liệu)

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông, gắn với khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động; nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh gắn kết giữa cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; giữa đào tạo và thị trường sử dụng lao động; tăng cường tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp; đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả về giáo dục nghề nghiệp.