Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giá trị nổi bật toàn cầu của di tích Óc Eo - Ba Thê

Quốc Phong - 16:03, 24/02/2022

Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê tọa lạc tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang là một trong những di sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Độc đáo về kiến trúc, nghệ thuật và lịch sử, Óc Eo - Ba Thê vừa là minh chứng cho một nền văn hóa cổ đại tiêu biểu, vừa góp phần tích cực vào sự phát triển của vùng.


Triển lãm cổ vật Óc Eo nhận được sự quan tâm từ cộng đồng (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19 )
Triển lãm cổ vật Óc Eo nhận được sự quan tâm từ cộng đồng (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19)

Giá trị nổi bật toàn cầu

Với giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật, di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê được giới khoa học và các nhà quản lý nhận định, đây là một di sản có giá trị nổi bật toàn cầu. Ngày 18/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương gửi báo cáo tóm tắt Hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.

GS.TS. Nguyễn Chí Bền, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khẳng định: Óc Eo – Ba Thê chứa đựng sự giao thoa văn hóa khu vực và sự phát triển độc đáo về kiến trúc. Đây là bằng chứng độc nhất, minh chứng cho sự tồn tại của một nền văn minh cổ đại, có tầm ảnh hưởng với nhiều quốc gia trên thế giới. Di tích hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí quan trọng của một di sản thế giới mà UNESCO đưa ra.

Theo Giám đốc Ban Quản lý Di tích Óc Eo tỉnh An Giang – ông Nguyễn Hữu Giềng, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh An Giang có 84 di tích thuộc văn hóa Óc Eo đã được kiểm kê và lập danh mục. Trong đó, quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê gồm 25 di tích (01 cấp quốc gia, 03 cấp tỉnh), có vị trí hết sức quan trọng và cần được đặc biệt quan tâm gìn giữ.

Mảnh ngói, tàn tích thu được từ các công trình cổ đại
Mảnh ngói, tàn tích thu được từ các công trình cổ đại

Kể từ khi được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, tỉnh An Giang đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, do khu di tích có quy mô lớn, phân bố lẫn trong khu dân cư và ngoài cánh đồng thấp trũng nên công tác bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mỹ quan công trình chưa phù hợp. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn còn đối mặt với yếu tố biến đổi khí hậu, và sự thiếu gắn kết với cộng đồng. 

"Ngoài tác động của xâm nhập mặn và thời tiết khắc nghiệt, nguồn nhân lực tại chỗ cũng là một khó khăn lớn cho công tác bảo tồn. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cần có cơ chế thuận lợi về đào tạo cán bộ; cũng như đảm bảo số lượng nhân sự phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích", ông Nguyễn Hữu Giềng thông tin thêm.

Chung tay bảo tồn di sản

Nhằm kịp thời bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Óc Eo - Ba Thê, ngày 23/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 115/QĐ-TTg về việc Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê.

Theo đó, tổng diện tích quy hoạch là 433,2 ha bao gồm: Khu A - “Trung tâm Tôn giáo Óc Eo” tại sườn và chân núi Ba Thê; Khu B - “Trung tâm đô thị cổ Óc Eo” tại cánh đồng Óc Eo. Quy hoạch cũng đề cập cụ thể đến các phân khu chức năng; không gian bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; hạ tầng kỹ thuật.

Mục tiêu của việc quy hoạch nhằm bảo vệ các điểm di tích, di vật đã được phát lộ của Di tích quốc gia đặt biệt Óc Eo – Ba Thê. Đồng thời, phát huy giá trị của di tích trở thành khu nghiên cứu khảo cổ học; hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù; định hướng lộ trình và các giải pháp tổng thể nhằm quản lý, đầu tư.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, thì nguồn lực đầu tư từ xã hội là động lực rất quan trọng. Do đó, tỉnh An Giang cũng kêu gọi các doanh nghiệp dành sự quan tâm đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và văn hóa Óc Eo nói riêng. Qua đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho toàn khu vực.