Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gia Lai: Phục dựng Lễ Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Ba Na

Ngọc Thu - 16:59, 08/12/2022

Ngày 8/12, tại làng Brang Đak Kliết, xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, Gia Lai), Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trung tâm Văn hóa, thông tin và Thể thao huyện Đak Pơ tổ chức phục dựng Lễ Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Ba Na.

Lễ Mừng lúa mới là lễ hội chung của cả cộng đồng dân tộc Ba Na tại huyện Đak Pơ
Lễ Mừng lúa mới là lễ hội chung của cả cộng đồng dân tộc Ba Na tại huyện Đak Pơ

Đối với dân tộc Ba Na tại huyện Đak Pơ, Lễ Mừng lúa mới là lễ hội chung của cả cộng đồng, được tiến hành ở nhà rông. Đây là lễ hội lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Ba Na, là dịp để tạ ơn với thần linh đã giúp dân làng có được một vụ mùa bội thu, no đủ.

Trước ngày làm lễ cúng, đồng bào lên rẫy lấy lúa về, sau đó rang lúa để chuẩn bị giã cốm
Trước ngày làm lễ cúng, đồng bào lên rẫy lấy lúa về, sau đó rang lúa để chuẩn bị giã cốm

Với quan niệm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, đồng bào Ba Na tin rằng xung quanh họ có rất nhiều vị thần, mà họ gọi là Jang. Người Ba Na có một hệ thống những truyện cổ giải thích các hiện tượng tín ngưỡng quanh mình. Những vị thần trong tín ngưỡng nông nghiệp là thần Lúa, thần Núi, thần Sông… cúng tổ tiên (Jang So), cúng ma (A Tâu), cúng ăn lúa mới là (Sa moc)… Ngoài ra, mỗi cộng đồng còn có những vị thần riêng, tùy thuộc vào các điều kiện tự nhiên trong vùng.

Dân làng rộn ràng cùng nhau giã cốm làm lễ Mừng lúa mới
Dân làng rộn ràng cùng nhau giã cốm làm lễ Mừng lúa mới

Trong làng của người Ba Na có các già làng, do một già làng đứng đầu, hay do một hội đồng già làng đứng đầu. Già làng Đinh Văn Hiếp là Người có uy tín với cộng đồng, được giao trọng trách hướng dẫn dân làng tiến hành trình tự lễ cúng. Khi lúa chín, già làng tập trung bà con họp làng thống nhất chọn ngày làm lễ cúng mừng lúa mới, địa điểm tổ chức tại nhà rông. Lễ vật trong Lễ mừng lúa mới gồm một con heo, 2 con gà nấu chín, 2 ghè rượu lớn và những hạt cốm làm từ lúa mới.

Già làng Đinh Văn Hiếp là Người có uy tín với cộng đồng, được giao trọng trách hướng dẫn dân làng tiến hành trình tự lễ cúng
Già làng Đinh Văn Hiếp là Người có uy tín với cộng đồng, được giao trọng trách hướng dẫn dân làng tiến hành trình tự lễ cúng

Trước ngày làm lễ cúng, bà con lên rẫy lấy lúa về, sau đó rang lúa để chuẩn bị giã cốm. Già làng Đinh Văn Hiếp phân công nhiệm vụ cho từng người trong làng. Đàn ông dựng dàn cúng, phụ nữ cột ghè rượu, khiêng nước, sắp xếp các dàn cúng để chuẩn bị cho lễ mừng ăn cơm mới của làng mình.

Già làng Đinh Văn Hiếp (ngồi giữa) thực hiện nghi lễ cúng lúa mới
Già làng Đinh Văn Hiếp (ngồi giữa) thực hiện nghi lễ cúng lúa mới

Trong lúc các thầy cúng làm lễ, đội cồng chiêng và đội múa xoang đi biểu diễn vòng quanh. Sau đó nghệ nhân của đội cồng chiêng đi lần lượt uống tất cả các ghè rượu và ăn cốm do dân làng mời.

Đội cồng chiêng và đội múa xoang đi biểu diễn vòng quanh trong lúc thầy cúng làm lễ
Đội cồng chiêng và đội múa xoang đi biểu diễn vòng quanh trong lúc thầy cúng làm lễ

Cúng xong, già làng cất tiếng hú và gọi thanh niên và dân làng nổi trống, đánh chiêng lên. Cả làng cùng vào hội mừng cơm mới, ăn cốm, uống rượu... Đội cồng chiêng vừa hú vừa đánh chiêng, múa xoang...

Lễ Mừng lúa mới là dịp để dân làng tạ ơn với thần linh đã cho vụ mùa bội thu, no đủ
Lễ Mừng lúa mới là dịp để dân làng tạ ơn với thần linh đã cho vụ mùa bội thu, no đủ

Việc phục dựng nghi thức, nghi lễ của đồng bào DTTS nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Ba Na nói riêng, đồng DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.