Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gia Lai: Những mô hình thiết thực bảo vệ môi trường

PV - 11:00, 04/09/2019

Ðối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn rất thấp, ý thức bảo vệ môi trường còn hạn chế, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS. Trước thực trạng đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai đã phát động triển khai nhiều mô hình, hoạt động đa dạng, thiết thực với địa phương như quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, làm con đường hoa, nhà vệ sinh để chung tay bảo vệ môi trường tại địa phương.

Vận động đồng bào DTTS xây nhà vệ sinh

Gia Lai hiện là tỉnh có số thôn đặc biệt khó khăn nhiều cả nước. Các thôn, làng khó khăn chủ yếu người đồng bào DTTS sinh sống. Do trình độ nhận thức hạn chế, lạc hậu nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại tỉnh cũng bị giới hạn, bởi những phong tục của người đồng bào nơi đây như: không có nhà vệ sinh, chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn, thả rông gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường.

Phụ nữ Gia Lai tham gia dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh. Phụ nữ Gia Lai tham gia dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh.

Trước tình trạng đó, trong cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng NTM do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động, đã đưa việc vận động hội viên, đặc biệt là hội viên người đồng bào DTTS xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh là nội dung quan trọng.

Theo đó, mô hình “Giúp công làm nhà tiêu hợp vệ sinh vùng đồng bào DTTS” được triển khai. Người dân được hỗ trợ kinh phí và huy động ngày công từ dân làng. Đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng được 7.581 nhà tiêu hợp vệ sinh.

Bà Đinh Thị Nga (làng Kuk Kôn, xã An Thành, huyện Đăk Pơ) phấn khởi chia sẻ: Từ trước đến nay, gia đình vẫn sống theo phong tục ngày xưa, phần vì thu nhập thấp nên không có tiền xây nhà vệ sinh. Sau khi tham gia Câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, cộng với việc hỗ trợ vật liệu và ngày công, năm 2018, gia đình mình đã xây xong nhà tiêu hợp vệ sinh, rất thuận tiện cho sinh hoạt hằng ngày.

Mô hình “Chi hội không rác”

Tiêu biểu trong cuộc vận động bảo vệ môi trường do Hội Phụ nữ phát động, còn có mô hình “Chi hội không rác”. Để thực hiện mô hình này, các chi hội phụ nữ tại các xã, phường, thị trấn đã cùng nhau triển khai tổng dọn vệ sinh trên các tuyến đường theo định kỳ, nhờ đó con đường vào các làng, xã, thị trấn luôn sạch sẽ.

Chị Đinh Thị Hà (tổ dân phố 1, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông) cho biết: Từ khi triển khai mô hình “Chi hội không rác” chị đã cùng 14 hộ trong tổ cùng nhau dọn vệ sinh 2 tháng một lần trên tuyến đường dài hơn 500m. Tại nhà, chị Hà chủ động thu gom rác thải rồi để gọn gàng trước nhà, sau đó công nhân vệ sinh môi trường đến lấy mang đi tiêu hủy.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ tỉnh còn phối hợp với Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh tổ chức các hoạt động về bảo vệ môi trường tại một số xã trên địa bàn, mở các lớp tập huấn. Tặng 100 sọt rác cho hội viên phụ nữ. Vào dịp môi trường thế giới, các cấp Hội phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể đồng loạt ra quân tổ chức các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường như: thu gom rác thải, làm vệ sinh đường làng, khơi thông cống rãnh, không có nước đọng, rác thải, nước thải,…

Cùng với đó, nhiều mô hình hay như: “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa”, “Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa”... được triển khai tại các làng, xã, thị trấn. Đến nay, các cấp hội đã thực hiện được gần 60km “Hàng rào xanh”, xây dựng và lắp đặt 45 cống thoát nước, đào 29.961 hố rác sau vườn nhà, di dời 8.131 chuồng trại gia súc ra phía sau nhà.

Các hội viên còn được tuyên truyền để chủ động phân loại rác thải tại nguồn để đảm bảo môi trường sống xanh-sạch-đẹp. Cũng nhờ những mô hình ý nghĩa trên mà ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân trong toàn tỉnh nói chung và các địa phương nói riêng, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS đã được nâng cao.

THÙY DUNG