Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gia Lai: Nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ

Thùy Dung - 11:12, 10/06/2020

Những năm gần đây, nhờ chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (SKSS - KHHGĐ) nhận thức của cộng đồng Nhân dân về chăm sóc SKSS - KHHGĐ ở huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đã được nâng lên rõ rệt, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Tuyên truyền viên, cộng tác viên thôn, làng đi từng ngõ, gõ từng nhà để thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chị em phụ nữ về chăm sóc SKSS - KHHGĐ
Tuyên truyền viên, cộng tác viên thôn, làng đi từng ngõ, gõ từng nhà để thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chị em phụ nữ về chăm sóc SKSS - KHHGĐ

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Đoa cho biết: Tại huyện Đăk Đoa, 100% xã, thị trấn đều đã phối hợp với Phòng Dân số tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động đối tượng trước và trong suốt thời gian chiến dịch bằng nhiều hình thức tuyên truyền như, qua hệ thống loa truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu, nói chuyện chuyên đề… Nhờ vậy, đến nay nhận thức của các gia đình về chăm sóc SKSS - KHHGĐ đã được nâng lên rõ rệt.

Để chiến dịch triển khai hiệu quả, Ban Chỉ đạo công tác Dân số đã làm tốt công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là với các khoa, phòng của Trung tâm Y tế. Trạm Y tế các xã, thị trấn đã phối hợp với tinh thần trách nhiệm cao, có sự chuẩn bị tốt về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, kịp thời tổ chức các hoạt động của các gói dịch vụ.

Bà Lê Thị Kim Tuyến, cán bộ dân số Trạm Y tế xã cho biết: Năm 2019, xã Kdang được chọn để ra quân chiến dịch truyền thông lồng ghép chăm sóc SKSS - KHHGĐ. Theo đó, Trạm phối hợp với các ban, ngành của xã đã tổ chức được 54 buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tất cả các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ và chưa kết hôn ở 12 thôn, làng của xã. Thành lập đội ngũ cộng tác viên ở thôn, làng để sát sao, gần gũi với chị em phụ nữ, tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai hiện quả. Cung cấp miễn phí dịch vụ KHHGĐ, thực hiện cung cấp dịch vụ lâm sàng như đặt vòng, thuốc tiêm tránh thai… các dịch vụ phi lâm sàng như bao cao su, thuốc uống tránh thai. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập mô hình không sinh con thứ 3, với đông đảo chị em tham gia. Nhờ vậy, cuối năm 2019, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của xã đã giảm từ 1,37% xuống còn 1,21%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ sinh con thứ 3 cũng giảm. Cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại lên 65%.

Chị Amyom, làng Hnap chia sẻ: “Nhà tôi có 2 đứa rồi, nên năm trước tôi có lên Trạm Y tế xã để đăng ký thực hiện KHHGĐ. Ở làng, nhiều chị em còn tâm lý e ngại, nên tôi thường xuyên nói chuyện với chị em để giúp chị em nâng cao nhận thức về sinh đẻ có kế hoạch để nuôi dạy cho tốt. Đồng thời, sử dụng các biện pháp tránh thai, để bảo vệ sức khỏe”. 

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, các hình thức truyền thông về chăm sóc SKSS - KHHGĐ đang góp phần làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội, đặc biệt là ở các làng đồng bào DTTS có tỷ lệ sinh cao. Thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, phù hợp với đặc thù của từng địa phương; triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ thích hợp, giúp các chị em trong độ tuổi sinh đẻ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS; Chú trọng thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số, nhất là trong vùng đồng bào DTTS, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên.

Các hình thức truyền thông về chăm sóc SKSS - KHHGĐ đang góp phần làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội, đặc biệt là ở các làng đồng bào DTTS có tỷ lệ sinh cao. Thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, phù hợp với đặc thù của từng địa phương...”

Ông Nguyễn Văn Chính Giám đốc Trung tâm Y tế huyện