Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gia Lai đứng đầu cả nước về số ca tử vong do bệnh dại

Ngọc Thu - 06:50, 23/03/2024

Ngày 22/3, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn về giám sát bệnh dại tại tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh lớp tập huấn về giám sát bệnh dại tại tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Tấn Lực)
Quang cảnh lớp tập huấn về giám sát bệnh dại tại tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Tấn Lực)

Lớp tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án giám sát cúm gia cầm và các bệnh chung ở góc độ tương tác giữa người và động vật khác tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2027, do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tài trợ. Tham gia tập huấn có gần 70 học viên, là cán bộ chuyên trách về công tác phòng - chống bệnh dại tỉnh Gia Lai và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Theo báo cáo, năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh dại, gần 700.000 người bị chó mèo cắn phải tiêm phòng, tổn thất kinh tế gần 1.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn quốc ghi nhận 27 ca tử vong do bệnh dại, 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.

Tỉnh Gia Lai là một điểm nóng, đứng đầu cả nước về số ca tử vong do bệnh dại trong năm 2023, với 14 trường hợp tử vong. Trong đầu năm 2024, Gia Lai tiếp tục ghi nhận 2 ca tử vong vì bệnh dại.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, cho biết tình hình bệnh dại 2 năm qua diễn biến rất phức tạp với nhiều người tử vong. Tuy nhiên công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa đạt hiệu quả như mong muốn, tỷ lệ tiêm Vaccine dại cho chó, mèo năm 2023 đạt thấp, chỉ chiếm 6% so với tổng đàn; ý thức phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao; công tác quản lý vật nuôi còn lỏng lẻo…

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội thảo tập huấn (Ảnh: Tấn Lực)
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội thảo tập huấn. (Ảnh: Tấn Lực)

"Đây là hệ quả của việc không nuôi nhốt, tiêm phòng chó mèo và không tiêm Vaccine dại khi bị cắn. Bên cạnh nhận thức của người dân, việc này có trách nhiệm của cơ quan y tế dự phòng. Việc đẩy lùi bệnh dại, vai trò các cơ quan tuyên truyền rất quan trọng, cần sự vào cuộc của truyền thông", ông Long nhấn mạnh.

Theo Cục Thú y, tổng đàn chó mèo cả nước hiện nay đạt hơn 7 triệu con, nhưng tỷ lệ tiêm phòng mới đạt khoảng 54%. Từ đầu năm tới nay, có 51 ổ dịch tại 23 tỉnh, thành, trong đó có 24 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Để không còn người chết vì dại, phải bảo đảm đàn chó mèo không mắc dại; tăng cường quản lý tốt đàn chó mèo nuôi nhốt và đưa tỷ lệ tiêm phòng tối thiểu phải đạt 70 - 80%.

Tại buổi tập huấn, các cơ quan, ban, ngành đã cung cấp cho học viên những thông tin về tình hình bệnh dại trên động vật. Lớp tập huấn cũng dành nhiều thời gian giới thiệu tổng quan về việc triển khai giám sát IBCM tại Việt Nam chẩn đoán, xét nghiệm bệnh dại trên động vật, hướng dẫn lấy mẫu… Qua đó, góp phần giúp học viên cập nhật thông tin, nâng cao năng lực chuyên môn, từ đó triển khai hiệu quả các hoạt động phòng - chống bệnh dại thời gian tới.

Trước đó, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc tại tỉnh Gia Lai liên quan đến công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Thú y đã đi khảo sát tình hình thực tế tại 2 huyện Chư Sê và Đức Cơ, nơi có những ca tử vong do bệnh dại trong những tháng đầu năm 2024.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chòm riêng chà pây của đồng bào Khmer

Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chòm riêng chà pây của đồng bào Khmer

Ông Thạch Dương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long thông tin, trong năm 2024, Ban Dân tộc đã phối hợp Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Long cùng UBND các huyện, thị xã có đông đồng bào Khmer, các chùa Khmer trên địa bàn, mở các lớp truyền dạy văn hóa nghệ thuật nói chung và loại hình nghệ thuật Chòm riêng chà pây cho đồng bào Khmer địa phương. Việc truyền dạy nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống đồng bào Khmer.