Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gia Lai có số người tử vong vì bệnh dại cao nhất cả nước

Ngọc Thu - 18:06, 09/10/2023

Theo Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 64 người tử vong do bệnh dại, trong đó, khu vực Tây Nguyên có 15 ca. Riêng tỉnh Gia Lai, trong 9 tháng đầu năm 2023 dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến với 11 ca tử vong do bệnh dại và là tỉnh có số người tử vong vì bệnh dại cao nhất cả nước.

Việc nuôi chó thả rông không rọ mõm, không thực hiện tiêm phòng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho người
Việc nuôi chó thả rông không rọ mõm, không thực hiện tiêm phòng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho người

Cụ thể, số ca tử vong do bệnh dại xảy ra tại các địa phương như: huyện Đức Cơ 3 ca; Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Kông Chro, Đak Đoa, Kbang, Krông Pa và Tp. Pleiku mỗi địa phương 1 ca. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm giám sát bệnh tại một số điểm giết mổ chó trên địa bàn Tp. Pleiku và huyện Đức Cơ đã phát hiện 3/20 mẫu dương tính với vi rút dại, nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao.

Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, trong thời gian vừa qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện các chỉ tiêu trong phòng, chống bệnh dại trên người và động vật tại các địa phương đạt rất thấp so với Kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tỷ lệ chó, mèo được tiêm vắc xin dại tính đến tháng 9/2023 đạt 16% tổng đàn, tuy có cao hơn so với năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với quy định là ít nhất 70% tổng đàn); tỷ lệ hộ dân nuôi chó thả rông chiếm khoảng 93%; tỷ lệ cấp xã lập sổ quản lý chó nuôi chỉ đạt gần 50%.

Để sớm kiểm soát tốt bệnh dại, ngày 9/10, UBND tỉnh Gia Lai đã ra công điện về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai. UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại. 

Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã và các phòng, ban, đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dại cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại thuộc địa bàn quản lý; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

Bên cạnh đó, tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; bảo đảm việc tiếp cận vắc xin phòng bệnh dại cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong việc hướng dẫn điều tra dịch tễ, xử lý ổ bệnh dại khi phát hiện có trường hợp người mắc bệnh dại do chó, mèo cào, cắn; Sở Y tế tham mưu tổ chức, bố trí đầy đủ các điểm tiêm phòng, vật tư trang thiết bị để điều trị dự phòng bệnh dại cho người tại các địa phương, bảo đảm mỗi địa phương cấp huyện có ít nhất 1 điểm tiêm phòng dại.