Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gia Lai: Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc Gia Rai tại xã biên giới Ia O

Ngọc Thu - 08:31, 27/11/2022

Thời gian qua, huyện Ia Grai (Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Gia Rai ở xã biên giới Ia O” là một giải pháp hữu hiệu, tạo động lực cho đồng bào DTTS vùng biên giới gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Các nghệ nhân dân tộc Gia Rai trình diễn cồng chiêng tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2022
Các nghệ nhân dân tộc Gia Rai trình diễn cồng chiêng tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2022

Cuối năm 2021, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao (VHTT&TT) huyện Ia Grai đã tiếp nhận dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Gia Rai ở xã biên giới Ia O” do Hội đồng Anh tài trợ, có tổng kinh phí 150 triệu đồng, từ Quỹ Di sản văn hóa sống. Dự án bao gồm các hoạt động: Mở lớp giảng dạy chỉnh chiêng, đánh chiêng, đẽo thuyền, chèo thuyền; sửa chữa, bảo trì thuyền độc mộc và một số hoạt động truyền thông. Từ đây, dân làng Gia Rai vùng biên giới Ia O có thêm động lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, khơi nguồn cảm hứng để các nghệ nhân và người dân ý thức rõ hơn những giá trị văn hóa mà họ đang sở hữu.

Nói về dự án, bà Lê Thị Phương Loan - Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Ia Grai, thông tin: “Việc giữ gìn thuyền độc mộc không những giữ gìn nét văn hóa độc đáo của người dân địa phương mà còn là nguồn lực để phát triển du lịch trên địa bàn. Vì vậy, chúng tôi thấy đây là một dự án thiết thực, mà người được hưởng lợi trực tiếp là người dân. Từ đó, họ có trách nhiệm cao trong việc bảo tồn, duy trì phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong quá trình triển khai, người dân làng tham gia rất tích cực và say sưa tập luyện dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân”.

Dưới tán cây xanh mát bên nhà rông làng Mít Jép, Trung tâm VHTT&TT huyện Ia Grai phối hợp với xã Ia O tổ chức lớp "truyền dẫn chỉnh chiêng, đánh chiêng". Trong 8 ngày, 30 học viên là người DTTS Gia Rai đã được 2 nghệ nhân truyền dạy cách đánh chiêng; hướng dẫn, phổ biến một số bài chiêng cơ bản và chỉnh sửa cồng chiêng. Vừa lắng nghe các học viên đánh chiêng, vừa chỉnh sửa cho các học viên từng động tác, nhịp chiêng, ông Rơ Châm Lin - Nghệ nhân dạy lớp cồng chiêng, cho biết: “Mình dạy cho các học viên cách cầm chiêng cho đúng và tập đánh các bài chiêng cơ bản. Từ đó, các học viên sẽ có thể tự đánh phục vụ lễ hội ở gia đình, thôn làng hoặc khách du lịch khi có dịp…”.

Khai giảng lớp truyền dạy chỉnh chiêng, đánh chiêng cho 30 học viên DTTS Gia Rai tại xã Ia O, huyện Ia Grai
Khai giảng lớp truyền dạy chỉnh chiêng, đánh chiêng cho 30 học viên DTTS Gia Rai tại xã Ia O, huyện Ia Grai

Anh Puih Đệ - Bí thư Chi đoàn làng Mít Jép, chia sẻ: Do ban ngày các học viên đều bận việc nên lớp học diễn ra vào ban đêm. Trong buổi học, tiếng cồng, tiếng chiêng bổng trầm ngân vang, không gian rộn ràng vui tươi lan rộng khiến mọi người ai nấy đều háo hức”.

Ngay sau lớp truyền dạy chỉnh chiêng, đánh chiêng, giữa tháng 4/2022, lớp truyền dạy đẽo và chèo thuyền độc mộc xã Ia O đã được khai mạc tại nhà rông làng Bi. Lớp học có 2 nghệ nhân truyền dạy và có 30 thanh niên trong làng tham gia. Tại đây, các học viên được các nghệ nhân truyền dạy cách đẽo thuyền, chèo thuyền và kể các câu chuyện hấp dẫn liên quan đến thuyền độc mộc.

Nhằm thực hiện nghiêm việc bảo vệ rừng, cách đẽo thuyền độc mộc được hướng dẫn trên một khúc gỗ tạp nhỏ. Thế nhưng, không khí lớp học diễn ra rất sôi nổi, học viên hào hứng nghe các nghệ nhân truyền dạy. Thấy lớp học gần gũi, thực tế, nhiều bà con trong làng cũng đến học theo. Anh Siu Tuyên (làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai) cho biết: “Thấy nhiều người trong làng tham gia lớp học về thuyền độc mộc, mình cũng học theo. Nhờ lớp học, mình nhớ về truyền thống của dân tộc, góp phần bảo tồn di sản của ông cha mình để lại. Giờ đây, mình càng thêm yêu thích đẽo thuyền và tìm mua những chiếc thuyền nhỏ về sửa lại để sử dụng”.

Nghệ nhân hướng dẫn học viên kỹ năng đẽo thuyền độc mộc
Nghệ nhân hướng dẫn học viên kỹ năng đẽo thuyền độc mộc

Theo phong tục của người Gia Rai tại địa phương, những chiếc thuyền mục nát, hư hỏng sẽ được bà con thả trôi theo con nước. Do đó, số lượng thuyền độc mộc còn lưu giữ đến ngày nay chỉ còn hơn 10 chiếc. Vì vậy, Dự án đã triển khai sửa chữa, bảo trì 10 chiếc thuyền độc mộc với kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng/thuyền.

Đến nay, Dự án đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Qua đó, góp phần bảo tồn 2 loại hình di sản là thuyền độc mộc và văn hóa cồng chiêng. Tuy nhiên, hiện nay, các nghệ nhân ngày càng lớn tuổi gặp khó khăn trong việc truyền dạy, trong khi cuộc sống hiện đại đã ảnh hưởng đến một số thanh thiếu niên Gia Rai, khiến họ không còn mặn mà với tiếng cồng, tiếng chiêng. Mặt khác, kinh phí dành cho văn hóa còn hạn chế…

Bà Lê Thị Phương Loan - Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Ia Grai, cho biết: Để tiếp nối văn hóa truyền thống dân tộc, cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ văn hóa xã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn, nâng cao ý thức tự bảo quản cồng chiêng, thuyền độc mộc. Cùng với đó, tăng cường vận động xã hội hóa để sửa chữa các thuyền độc mộc đã hư hỏng theo thời gian. Đồng thời, tạo sinh kế cho dân làng khi gắn văn hóa truyền thống với du lịch qua các hoạt động: Tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, liên hoan cồng chiêng; triển lãm ảnh về thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng; giới thiệu các sản phẩm truyền thống đặc sắc của địa phương... Qua đó gìn giữ, bảo tồn giá trị không gian văn hóa cồng chiêng và thuyền độc mộc trong đời sống đồng bào Gia Rai trên địa bàn.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 948/1.192 làng vẫn còn lưu giữ cồng chiêng (gần 80% số làng có cồng chiêng). Trong đó, xã Ia O (huyện Ia Grai) là địa phương lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng nhất với gần 350 bộ chiêng. Nhiều gia đình lưu giữ 5 - 6 bộ chiêng quý, cùng với những lễ hội truyền thống tốt đẹp.