Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giả danh thầy Mo để trục lợi

Hiếu Anh - 17:55, 01/12/2020

Thời gian vừa qua, một số đối tượng có hành vi giả danh các thầy Mo xứ Mường, lên mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những việc làm này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.


Nhiều trang mạng công khai bán bùa yêu xứ Mường
Nhiều trang mạng công khai bán bùa yêu xứ Mường

Thầy Mo bức xúc

Vừa qua (19/11/2020), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 4 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các đối tượng này đã câu kết với nhau giả danh “Mo Mường” làm giả bùa yêu để lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin và chiếm đoạt số tiền gần 3 tỷ đồng. Điều đáng nói, trên mạng xã hội không chỉ có nhóm đối tượng này mà còn nhiều trang mạng khác vẫn công khai hoạt động tràn lan.

Nói về vấn đề này, thầy Mo Bùi Văn Lựng, xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hòa Bình)- người được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015 rất bức xúc. Ông cho biết, các hành vi lừa đảo này làm ảnh hưởng rất lớn tới danh tiếng của các thầy Mo chân chính. Vì các thầy Mo có bổn phận chăm lo tinh thần cho cộng đồng chứ không nhằm mục đích thương mại kiếm tiền.

Đối với các Mo Mường, những người được truyền thụ làm thầy Mo sẽ không bao giờ quảng cáo chứ đừng nói chuyện lên mạng xã hội “tìm khách hàng”. Khi người dân có việc cần phải tự tìm đến thầy Mo để các thầy giúp. Các thầy Mo xứ Mường chân chính chưa bao giờ quảng bá, giới thiệu bất kỳ điều gì về bản thân trên mạng xã hội. Do đó, các trang mạng tự nhận là thầy Mo xứ Mường rồi quảng bá bán bùa chú thời gian qua, đều là lừa đảo.

“Chuyện rao bán bùa yêu thực chất là trò nhảm nhí. Bởi, các thầy Mo sẽ không làm loại bùa này. Rất mong những đối tượng lừa đảo phải được trừng trị nghiêm trước pháp luật nhằm bảo đảm các hoạt động văn hóa lành mạnh của dân tộc”, thầy mo Bùi Văn Lựng đề xuất.

Tăng cường công tác quản lý

Việc hoạt động phi pháp của các đối tượng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới danh dự của các thầy Mo chân chính mà còn đang làm cho loại hình văn hóa tốt đẹp của dân tộc bị xâm phạm.

Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Bàn Quỳnh Giao, Viện Văn học (Thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) cho biết, các áng Mo Mường và thầy Mo có giá trị nhân văn sâu sắc, nhất là trong việc diễn xướng, tiếp truyền văn hóa dân gian. Hiện nay, Việt Nam cũng đang lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy, việc "quảng cáo" theo hướng làm bùa chú đã tạo ra hướng hiểu sai lệch về văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tôc.

Lý giải nguyên nhân sâu xa của tình trạng này, bà Giao cho rằng, trong thời kỳ kinh tế đang chuyển đổi với sự “lên ngôi” của đồng tiền, rất nhiều người chuyển từ yếu tố tâm linh chân chính (văn hóa tâm linh), sang yếu tố mê tín. Ví dụ như chuyện vợ (chồng) ngoại tình thay vì tìm cách giải quyết êm thấm, người ta tin mua bùa ngải thì đối phương sẽ quay về. Vì thế mà bùa ngải vô hình chung đắt hàng. Thế nhưng đây là quan điểm hết sức sai lầm vì trên thực tế không có loại bùa ngải nào có thể làm được điều này.

Mo Mường chân chính là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, không phải là mê tín dị đoan (ảnh Hồng Minh)
Mo Mường chân chính là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, không phải là mê tín dị đoan (ảnh Hồng Minh)

Để đời sống tâm linh trong Mo Mường không bị biến tướng thành trào lưu mê tín dị đoan, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp mạnh của pháp luật, thì chúng ta cũng cần hướng tới các giải pháp “mềm” mang tính căn cơ, lâu dài. Trong đó, cần chú trọng vai trò của truyền thông. Truyền thông không chỉ đưa tin khách quan trung thực mà quan phải biết định hướng và hướng dẫn dư luận.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần phải xử lý mạnh tay với các trang mạng xã hội khi xuất hiện những bài quảng cáo về vấn đề này. Đồng thời, cần tăng cường xuất bản các tài liệu, sách, báo, các bài nghiên cứu, tăng cường thông tin truyền thông để hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, nâng cao “sức đề kháng” trước các thông tin mê tín dị đoan.

Việc lợi dụng thầy Mo xứ Mường để trục lợi tài sản thời gian qua đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm người thưc hiện hành vi có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, hành vi này có thể bị truy cứu về tội hành nghề mê tín dị đoan (Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015) với mức phạt cao nhất lên tới 10 năm tù hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (theo Điều 174 Bộ luật Hình sự) với mức phạt cao nhất tới chung thân.

Luật sư Trịnh Thị Toan, Văn phòng Luật sư Lê Quốc Hiền

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...