Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gặp “Hùm xám Đường số 4”

PV - 10:49, 06/10/2020

Trong Chiến thắng Biên giới năm 1950 và Giải phóng Cao Bằng (3/10/1950), ông Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, người được mệnh danh là “Hùm xám đường số 4” đã góp phần làm nên chiến thắng, viết lên bản hùng ca về ý chí kiên cường đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.

Ông Đặng Văn Việt tặng cuốn hồi ký “Đường số 4 rực lửa” cho độc giả.
Ông Đặng Văn Việt tặng cuốn hồi ký “Đường số 4 rực lửa” cho độc giả.

Chiến thuật đánh du kích trên địa bàn xung yếu

Cuối tháng 10/1947, nhận lệnh của Bộ Tổng tham mưu, ông Việt được điều từ Bộ Tổng tham mưu lên mặt trận Đường số 4 (tuyến Lạng Sơn - Cao Bằng). Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông đã nghiên cứu kỹ tình hình, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch.

Khi đi trinh sát địa bàn dọc Đường số 4 đoạn Cao Bằng - Lạng Sơn, ông đã ấn tượng mạnh mẽ với địa hình chia cắt mạnh, núi cao, vực sâu hiểm trở. “Tôi thầm nghĩ: Dường như thiên nhiên sắp đặt để giăng bẫy sẵn tạo lợi thế cho ta dụ dắt quân địch đi vào mai phục, buộc địch phải lâm vào cảnh bất lợi, tiến thoái lưỡng nan”, ông Việt hồi tưởng.

Từ đó, ông đề xuất cấp trên, đưa ra chiến thuật đánh du kích trên địa bàn xung yếu, với phương châm “lấy ít địch nhiều, giảm thương vong” và sử dụng linh hoạt các chiến thuật đánh phục kích, công đồn… từ nhỏ đến lớn, gây tổn thất nặng nề và làm thất bại âm mưu chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân Pháp.

Mùa Đông năm 1947, quân Pháp mở cuộc tiến công lên vùng Việt Bắc bằng “Kế hoạch Lê-a” với hai gọng kìm lớn và một mũi lính dù hòng khóa chặt vùng Việt Bắc. Đại tá Bô-phrê đích thân chỉ huy lực lượng bộ binh từ phía Lạng Sơn ngược Đường số 4 đánh lên Thất Khê, Cao Bằng.

“Hùng xám Đường số 4”

Trên đường số 4, ta mở nhiều trận đánh phục kích trên những cung đường hiểm trở từ huyện Thạch An (Cao Bằng) sang Lạng Sơn. Dưới sự chỉ huy của ông Đặng Văn Việt, những trận phục kích và lối đánh du kích đã làm nên những trận thắng hào hùng: Ngày 20/11/1947, trận đánh tại Bó Mò (cách Đông Khê 4km) phá hủy 2 xe quân sự, tiêu diệt 7 tên địch, làm 6 tên bị thương. Trận đánh Rằng Kheo (3/12/1947) tiêu diệt 11 tên địch. Trận Lũng Mười (1/1/1948) Tiểu đoàn 73 và Đại đội 670 đã tiêu diệt 73 tên địch, phá hủy 5 xe quân sự, bắn hỏng 40 xe, thu 30 súng các loại cùng nhiều lựu đạn và quân trang, quân dụng. Ngày 9/1/1948, trong trận phục kích ở Bó Củng - Lũng Nhài, ta đã tiêu diệt 44 tên địch, thu khoảng 30 súng các loại...

Tháng 4, 5, 7/1948 và năm 1949, ông Đặng Văn Việt chỉ huy Tiểu đoàn 23, Chiến khu Việt Bắc và Đoàn Bông Lau tổ chức đánh phục kích quân địch, giành nhiều thắng lợi lớn như trận Bố Củng - Lũng Vài, Bản Nẳm, trận Bông Lau - Lũng Phầy lần thứ tư (Tràng Định, Thất Khê tỉnh Lạng Sơn) chặt đứt đường tiếp viện của quân Pháp lên Cao Bằng trong nỗi sợ hãi. Đường số 4 bị chặt đứt, địch không thể vận chuyển bằng xe cơ giới tiếp tế cho Cao - Bắc - Lạng. Cái “ống thực quản” Đường số 4 và tham vọng của giặc Pháp coi như bị xóa sổ.

Sau trận đánh này, Đường số 4 trở thành con đường máu, con đường chết đối với địch. Binh sĩ Pháp kinh hãi gọi ông là “Hùm xám Đường số 4”. Sau những trận thắng giòn giã, Trung đoàn 174, do Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt và Chính ủy Chu Huy Mân chỉ huy tiếp tục tham gia chiến dịch Biên giới lịch sử. Tháng 5/1950, Trung đoàn 174 đánh trận Đông Khê, giết tên đồn trưởng Casanova ngay từ những thời khắc đầu tiên.

Năm 2020 này, ông Việt bước vào tuổi 100 nhưng trí tuệ vẫn còn minh mẫn. Kể lại những kỷ niệm xưa, ông tự hào nói: “Nếu trận thắng Đường số 4 tiếp năng lượng cho chiến dịch giải phóng Biên giới (1950), thì những trận tiếp theo vừa tôi luyện lực lượng vừa bổ sung nguồn vũ khí vô cùng quý giá cho chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ”.

Năm 2020 này, ông Việt bước vào tuổi 100 nhưng trí tuệ vẫn còn minh mẫn. Kể lại những kỷ niệm xưa, ông tự hào nói: “Nếu trận thắng Đường số 4 tiếp năng lượng cho chiến dịch giải phóng Biên giới (1950), thì những trận tiếp theo vừa tôi luyện lực lượng vừa bổ sung nguồn vũ khí vô cùng quý giá cho chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ”.