Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gạo Việt Nam tận dụng thời cơ làm chủ thị trường

Minh Nhật - 16:33, 02/07/2024

Dự kiến giá gạo toàn cầu sẽ không hạ nhiệt trước năm 2025 do hiện tượng thời tiết El Nino ảnh hưởng đến sản lượng lúa, trong khi một số quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo. Đây là cơ hội lớn để ngành lúa gạo chuyển mình, vươn lên nắm giữ vai trò chi phối thị trường thế giới cả về sản lượng, chất lượng và giá trị.

Sản phẩm gạo của Việt Nam được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới
Sản phẩm gạo của Việt Nam được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới

Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt mức kỷ lục 8 triệu tấn, trị giá hơn 4,5 tỷ USD- mức cao nhất từ trước đến nay. Dự báo, Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng sản lượng và giá trị gạo xuất khẩu do nhu cầu gạo trên toàn cầu tăng cao.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, hiện có 160 triệu ha trồng lúa trên toàn cầu, trong đó châu Á chiếm 90%. Hơn 3,5 tỷ người- chiếm gần một nửa dân số thế giới sử dụng gạo là lương thực chính. Năng lượng lúa gạo cung cấp chiếm khoảng 20% năng lượng của tổng khẩu phần ăn toàn cầu.

Tại châu Á, tiêu thụ lúa gạo chiếm tới 70% lượng calo trong khẩu phần ăn hàng ngày. Sản xuất lúa gạo hiện sử dụng 40% lượng nước tưới toàn cầu. Sự gia tăng dân số cùng với biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy nhu cầu tăng cao về tính đa dạng cũng như chất lượng gạo thời gian tới.

Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), gạo Việt Nam đang được đón nhận tại thị trường châu Âu- thị trường khó tính bậc nhất thế giới - và trong vài năm trở lại đây không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Điều đó khẳng định nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc không ngừng nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, đáp ứng các quy định quốc tế đối với mặt hàng này.

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tổng diện tích trồng lúa hiện có khoảng 7,27 triệu ha, sản lượng bình quân 5,87 tấn/ha. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng trung bình là 6,28 tấn/ha (trong khi sản lượng bình quân toàn thế giới là 4,25 tấn/ha).

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu trung bình hơn 6 triệu tấn gạo, riêng 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,8 triệu tấn gạo với giá trị 4,41 tỷ USD. Gạo Việt Nam đã có mặt tại các thị trường từ châu Á, châu Âu, đến châu Mỹ và châu Phi.

Lúa gạo Việt Nam được đăng ký bảo hộ quốc tế chính
Lúa gạo Việt Nam được đăng ký bảo hộ quốc tế chính

Dự báo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2024, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Việt Nam nhận định, giá gạo xuất khẩu có thể vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640-650 USD/tấn. Nguyên nhân là do lượng lúa gạo giao dịch trên thế giới đang khan hiếm dần, còn Việt Nam đang nắm giữ cơ hội về xuất khẩu gạo.

Theo tính toán, nhu cầu gạo của các nước trên thế giới vẫn rất lớn, trong đó có các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia và Trung Quốc. Ấn Độ- quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới - cũng được dự báo sẽ tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong năm 2024.

Tại thời điểm hiện nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 658 USD/tấn, cao hơn Thái Lan 35 USD/tấn và cao hơn Pakistan 60 USD/tấn. Tất cả những yếu tố đó cho thấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn lên làm chủ thị trường thế giới cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, nhu cầu về gạo của các thị trường trên thế giới cũng có nhiều thay đổi, theo hướng giảm dần gạo phẩm cấp thấp, thay vào đó là các sản phẩm đặc sản, dinh dưỡng, các sản phẩm chế biến sâu từ gạo…

Hơn nữa, các thị trường chất lượng cao, giá cao cũng nâng mức yêu cầu khi đưa ra các quy định về sản xuất và tăng trưởng xanh, phát thải thấp, đòi hỏi ngành hàng lúa gạo Việt Nam phải sớm đáp ứng để nắm bắt cơ hội tăng trưởng cũng như làm chủ thị trường ở phân khúc sản phẩm tiềm năng này.

Một trong những đòn bẩy lớn để hiện thực hóa cơ hội này là Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Theo đó, sẽ xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long mang tính đột phá trong tổ chức sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để sớm hình thành 1 triệu ha lúa như kỳ vọng thì sáng kiến và giải pháp công nghệ hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo là yêu cầu cần thiết. TS Nguyễn Văn Hùng - Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) cho rằng: Cần có các giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng và thị hiếu của người tiêu dùng. Phát triển nhanh chóng diện tích canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu và phát thải carbon thấp. Theo đó, mở rộng ứng dụng các kỹ thuật canh tác như: tưới ngập - khô xen kẽ (AWD), gieo sạ chính xác, quản lý rơm rạ và phụ phẩm; hỗ trợ phát triển thị trường tín dụng carbon lúa gạo… Trong đó, riêng kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ có thể giảm tới 30% phát thải carbon trên cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ hiện trạng quản lý rơm rạ ở đồng bằng sông Cửu Long; Thực hiện các nghiên cứu khoa học về thực hành quản lý rơm rạ tốt dựa trên các yếu tố đa dạng sinh học, phát thải carbon, cân bằng dinh dưỡng; Ứng dụng công nghệ phù hợp với quy mô canh tác vào quản lý rơm rạ.

Cơ giới hóa trong sản xuất góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo Việt Nam.
Cơ giới hóa trong sản xuất góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo Việt Nam.

Ngoài ra, để phát triển bền vững ngành lúa gạo cũng cần ban hành quy định các nhà máy phải mua lúa có nguồn gốc để có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, phù hợp với các quy định của Việt Nam và thế giới. Có cơ chế hỗ trợ vốn để trang bị máy móc đồng bộ, tăng năng suất lao động nông nghiệp và giảm giá thành sản xuất lúa. Đối với máy nông nghiệp cần có nguồn vốn tài trợ trong vòng 5 năm cho các máy làm đất, máy phun thuốc, xạ giống, xạ phân, thu hoạch. Đồng thời hỗ trợ xây dựng hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, đánh giá) đạt chuẩn quốc tế để có thể xác nhận việc trồng lúa giảm phát thải, tạo ra chứng chỉ carbon có thể thương mại hóa trên thị trường thế giới.