Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Dương Thuấn - “lão nông miệt mài trên cánh đồng thơ ca”

Hồng Phúc - 14:47, 18/08/2020

Sinh ra ở bản Hon, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), từ nhỏ ở nhà sàn, sống với nương rẫy, ăn cơm chan canh rau bò khai… nhà thơ Dương Thuấn đã tỉ mẩn mang những chất liệu văn hóa dân tộc Tày chăm chút cho “khu vườn” thơ ca của mình. Không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm viết về tình yêu, ông còn dày công vun trồng “mảnh vườn” thơ ca thiếu nhi, gửi gắm những triết lý sâu sắc.

Nhà thơ Dương Thuấn
Nhà thơ Dương Thuấn

Gặt hái nhiều những giải thưởng danh giá, kỷ lục Guiness Việt Nam, nhưng gặp nhà thơ Dương Thuấn ở ngoài đời sẽ thấy ông hồn hậu, thuần phác y như trong thơ - thơ của một lão nông như ông nói.

Viết về nhà thơ Dương Thuấn, đã có hàng trăm bài báo, công trình nghiên cứu đề cập đến gia tài đồ sộ của ông. Chính điều ấy cũng khiến người viết như chúng tôi cảm thấy áp lực. Thế nhưng, nếu tinh mắt, sẽ thấy một khoảng đất rất rộng thơ dành cho thiếu nhi khi bước vào “vườn thơ” mênh mông của thi sĩ người Tày này.

Viết cho con là cái duyên khởi việc sáng tác cho thiếu nhi. Ông chia sẻ, khi con mình đòi mua sách để đọc, nhưng không dễ dàng để tìm được nhiều thứ viết đúng để dành cho con trẻ. Dương Thuấn nói, phải thật sự là một đứa trẻ khi viết thơ thì mới hiểu được chúng thích gì, muốn gì, viết bằng con mắt người lớn với đầy trải nghiệm rồi thì tội chúng. Hay như PSG. TS Chu Văn Sơn nhận xét từ tâm lý của trẻ nhỏ, “Cứ biến vườn chơi thành bục giảng thì ứ thèm…”. Thế nên mới có: “Tháng Chạp trời mau tối/ Đi học về lội suối/ Bước lần theo đom đóm/Tiếng ve núi ran ran”.

Con trẻ đọc thơ của Dương Thuấn có thể thấy chất Tày một cách rõ rệt, được ngắm hoa, ăn quả, nghe thổi kèn, hát lượn, chơi ném còn, đánh yến hay bơi thuyền trên sông Năng… Đằng sau mỗi vần thơ ấy là gương mặt quê hương, một sự tích, một huyền thoại. Học mà chơi, chơi mà học là như thế.

Điều đặc biệt, khác biệt mà thi sĩ bản Hon làm được, đó là sáng tác song ngữ Tày - Việt. Phải nhắc lại là hàng nghìn bài thơ được viết song ngữ chứ không phải chuyển ngữ. Ông luôn đau đáu tiếng dân tộc mình sẽ bị mai một nên coi việc viết cho trẻ em bằng chính tiếng dân tộc mình là một trách nhiệm.

Đọc thơ Dương Thuấn, những đứa trẻ Tày sẽ thấy quê hương mình, phong tục mình hay, thú vị quá, chúng có cơ hội được tìm đến khám phá chiều sâu vẻ đẹp dân tộc mình, đồng thời nó cũng là cánh cửa mở ra cho trẻ em những dân tộc khác tìm hiểu văn hóa người Tày.

Nhà thơ Dương Thuấn thẳng thắn chia sẻ, nhiều người kêu gọi bảo tồn văn hóa mà có khi vẫn thấy sáo rỗng, khẩu hiệu bởi văn hóa thực ra không đao to búa lớn mà bắt đầu từ những thứ nhỏ như bài thơ, câu chuyện, món ăn… thôi. Vì thế, đáng đầu tư nhất vào công cuộc bảo tồn văn hóa là tâm hồn trẻ thơ. Khi mỗi đứa trẻ lớn lên trong chiếc nôi văn hóa Tày, lớn lên chúng sẽ là những sứ giả văn hóa mang cái hay, cái đẹp của dân tộc ra khỏi bản làng, sang tỉnh, thành phố khác, rồi đến những phương trời Âu - Á.

Người viết sách bây giờ khó mà không lo lắng những đứa con tinh thần của mình tìm chỗ đứng trên thị trường sách vốn đã quá phong phú như bây giờ, lại càng nhiều trò giải trí trong thời đại công nghệ, thế nhưng tuyệt nhiên không thấy Dương Thuấn lo lắng. Ông lúc nào cũng lạc quan, vui tươi. “Văn hóa là tài sản không bao giờ mất đi được”, thế nên tôi biết và cũng tin rằng, giữa nhiều cám dỗ ở thế giới hiện đại, những vần thơ từ núi, những con chữ chuyên chở kho báu văn hóa của người Tày vẫn có khoảng trời riêng của mình”.