Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đưa di sản văn hóa vào trường học: Hiệu quả từ những cách làm sáng tạo

Nguyệt Anh - 06:35, 25/03/2024

Triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030" của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong đó có nội dung đưa một số loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc vào hoạt động giảng dạy và hoạt động giáo dục ngoại khóa tại các nhà trường, theo đó, nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú đã tổ chức các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ cho học sinh, mang lại hiệu quả thiết thực.

Học sinh Trường PTDTN Nước Oa trình diễn múa cồng chiêng tại Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My.( Ảnh: tư liệu)
Học sinh Trường PTDTN Nước Oa trình diễn múa cồng chiêng tại Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My. ( Ảnh: tư liệu)

Bắc Trà My (Quảng Nam): Mô hình "Học sinh dạy học sinh"

Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa (huyện Bắc Trà My), nhiều năm qua, các hoạt động ngoại khóa với nội dung truyền dạy múa, hát dân ca, dân vũ, đánh trống chiêng, tái hiện các nghi thức truyền thống đặc sắc, hội thi ẩm thực dân tộc… được nhà trường tổ chức thường xuyên nhằm giáo dục di sản, bồi đắp niềm tự hào và nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cho học sinh người DTTS.

Để giúp học sinh tiếp cận kho tàng di sản văn hóa được thuận lợi, dễ dàng, Ban Giám hiệu nhà trường đã mời các nghệ nhân gạo cội người Ca Dong (thuộc dân tộc Xơ Đăng), người Cor ở các xã Trà Bui, Trà Kót trực tiếp về trường dạy múa, hát dân ca, đánh trống chiêng cho các em. Quá trình truyền dạy, được ghi âm, ghi hình các động tác múa, tiết tấu, lời hát, thanh điệu trống chiêng… để lưu dạy về sau và linh hoạt thực hiện mô hình "Học sinh dạy học sinh di sản" để nhân rộng.

Cô giáo Hồ Thị Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTN Nước Oa cho biết, năm học 2023 - 2024, nhà trường có 12 lớp, hơn 400 học sinh và đều được thành lập, duy trì các đội văn nghệ, múa hát dân ca, đánh trống chiêng; đồng thời phát động tập luyện, thi đua giữ gìn bản sắc văn hóa trong toàn trường. Đối với học sinh khối 9 mới được nhà trường tuyển sinh đào tạo vào hằng năm, sẽ được các anh chị khối lớp trên truyền đạt, hướng dẫn lại cách múa, đánh trống chiêng, hát dân ca, nghi thức trong các lễ hội truyền thống các dân tộc thông qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt thường nhật sau giờ học ở ký túc xá… Nhà trường có đội văn nghệ hát, múa cồng chiêng chủ lực để phục vụ, tham gia các hoạt động quy mô ngoài nhà trường và hỗ trợ dạy bản sắc văn hóa cho học sinh mới vào nhập học.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa tái hiện Lễ hội Tết mùa của đồng bào Ca Dong (Ảnh: Tư liệu)
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa tái hiện Lễ hội Tết mùa của đồng bào Ca Dong (Ảnh: Tư liệu)

Gần đây, tại các lễ hội, hội thi ở địa phương hoặc cấp tỉnh, đoàn diễn viên học sinh Trường PTDTN Nước Oa luôn tham gia với nhiều tiết mục múa, hát dân ca, đánh trống chiêng, trình diễn sắc phục truyền thống của đồng bào các dân tộc, tái hiện các nghi thức truyền thống đặc sắc, ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Cor, Xơ Đăng… ở vùng Trà My.

Phú Bình (Thái Nguyên): Mô hình "Dạy tiếng trước - dạy hát sau" 

Để bảo tồn và lưu giữ làn điệu soọng cô của dân tộc Sán Dìu, truyền dạy cho thế hệ trẻ biết yêu, trân trọng và lưu truyền bản sắc văn hóa của dân tộc mình, Trường THCS Bàn Đạt (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) đã triển khai Mô hình "Dạy tiếng trước - dạy hát sau" cho học sinh dân tộc Sán Dìu. Sau khi học sinh biết tiếng Sán Dìu thì nhà trường tiếp tục truyền dạy học sinh hát soọng cô cho các em.

Cô Mã Thị Hằng, giáo viên Trường THCS Bàn Đạt được giao đảm nhận việc dạy tiếng Sán Dìu và hát coọng cô cho học sinh trong trường, cho biết: Từ tháng 4/2022, Nhà trường đã thành lập CLB nói tiếng Sán Dìu, bước đầu có 25 học sinh tham gia, gồm cả học sinh là người dân tộc Sán Dìu và dân tộc Kinh. CLB sinh hoạt 2 lần/tháng, bằng cả hình thức trực tiếp và gián tiếp tùy theo tình hình thực tế và có sự giám sát của giáo viên. Khi sinh hoạt, học sinh trong CLB sẽ dạy nhau theo hình thức: Bạn biết nhiều dạy bạn biết ít. Đến nay, CLB đã thu hút 53 học sinh của trường tham gia.

Một buổi hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Trường THCS Bàn Đạt, huyện Phú Bình
Một buổi hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Trường THCS Bàn Đạt, huyện Phú Bình

Sau khi các em học sinh đã nói được tiếng dân tộc thành thạo, tháng 9/2022, Trường THCS Bàn Đạt thành lập CLB hát soọng cô, với 8 thành viên ban đầu. Thời gian đầu, hàng tuần, Nhà trường tổ chức cho thành viên đến nhà các nghệ nhân trong xã để học hát soọng cô. Bà Đặng Thị Năm, nghệ nhân hát Soọng Cô ở xóm Đồng Quan, xã Bàn Đạt được nhà trường mời đến truyền dạy hát. Bà Năm cho biết: Trong các buổi sinh hoạt này chúng tôi cho các cháu học nghe các làn điệu soọng cô; giúp các cháu tìm hiểu về ý nghĩa của những lời ca, câu hát, được luyện tập cách hát; bước đầu học những từ đơn giản và nâng dần độ khó; sau đó là giúp các cháu tự tin biểu diễn làn điệu soọng cô.

Để phục vụ cho việc tìm hiểu, học hát soọng cô của học sinh, hiện CLB Nhà trường đã sưu tầm được 15 bài hát (12 bài lời cổ, 3 bài lời mới), ghi âm, ghi 10 file các bài hát do các nghệ nhân trong xã trình diễn. Các tài liệu sưu tầm được, Nhà trường đã lưu giữ trong thư viện trường và đẩy lên trang fanpage của trường, của Liên đội.

Nghệ nhân Đặng Thị Năm, xóm Đồng Quan, xã Bàn Đạt dạy hát soọng cô cho thành viên CLB hát soọng cô Trường THCS Bàn Đạt (Ảnh tư liệu)
Nghệ nhân Đặng Thị Năm, xóm Đồng Quan, xã Bàn Đạt dạy hát soọng cô cho thành viên CLB hát soọng cô Trường THCS Bàn Đạt (Ảnh tư liệu)

Bà Trương Thị Hải Nguyên, Hiệu trưởng Trường THCS Bàn Đạt chia sẻ: Những kết quả bước đầu trong việc giữ gìn, bảo tồn làn điệu Soọng Cô của nhà trường là những định hướng cơ bản, nền móng để nhà trường tiếp tục duy trì và nhân rộng hoạt động của các CLB nói tiếng dân tộc Sán Dìu và hát soọng cô. Thời gian tới Nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh biểu diễn soọng cô trong các hoạt động ngoại khóa của trường, đặc biệt là trong các tiết học giáo dục địa phương.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Dạy dân ca Châu Ro cho học sinh dân tộc

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thể hiện tiết mục dân ca Châu Ro.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thể hiện tiết mục dân ca Châu Ro. (Ảnh tư liệu)

Mới đây, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh vừa tổ chức khai giảng lớp dân ca Châu Ro năm 2024 cho học sinh DTTS của Trường. Lớp học diễn ra từ ngày 20 đến 30/3, với sự tham gia của 80 em học sinh dân tộc Châu Ro (Chơ Ro). Nội dung chương trình giới thiệu, truyền dạy cho các em học sinh người đồng bào về các bài dân ca, trong cội nguồn âm nhạc dân gian Châu Ro được lưu truyền. Đây là một trong những hoạt động thuộc Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền tốt đẹp của dân tộc Châu Ro.

Bà Bùi Thị Kiều Thơ: Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo):

Giáo dục văn hóa dân tộc trong trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) nhằm mục đích cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hoá truyền thống của các dân tộc trên quê hương mình; Hình thành và phát triển ở học sinh các kỹ năng tiếp cận, khai thác tri thức và vốn văn hoá truyền thống của địa phương để tiếp thu, học hỏi, vận dụng trong hoạt động hiện tại cũng như sau này;

Giáo dục truyền thống văn hoá, bồi dưỡng ý thức dân tộc, nâng cao thái độ trân trọng di sản văn hoá dân tộc và trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đồng và quê hương, hình thành ở học sinh tình cảm trong sáng, cao đẹp, yêu thương, gắn bó với cộng đồng; Làm phong phú nội dung giáo dục đặc thù trong trường PTDTNT, góp phần giáo dục cho học sinh nhân cách con người mới có tri thức và văn hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc và miền núi.

,.'///