Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Du lịch phục hồi thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS

Kim Anh - 12:26, 28/02/2022

Kể từ khi Việt Nam chuyển trạng thái thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19, ngành Du lịch đang dần phục hồi với nhiều tín hiệu đáng mừng. Đặc biệt, du lịch vùng cao tiếp tục tạo nguồn sinh kế bền vững, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng DTTS.

Chị Sạ Thị Yêm (ở giữa) cùng đoàn khách du lịch trải nghiệm đỉnh Chiêu Lầu Thi đầu năm 2022
Chị Sạ Thị Yêm (ở giữa) cùng đoàn khách du lịch trải nghiệm đỉnh Chiêu Lầu Thi đầu năm 2022

Du lịch khởi sắc tạo sinh kế cho đồng bào DTTS

Những ngày cuối tháng 2/2022, chị Sạ Thị Yêm, người Dao Đỏ, trú tại xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) tất bật với công việc hướng dẫn cho du khách và sắp xếp khu nhà nghỉ homestay của gia đình.

Chị Yêm kể, dịch vụ cho thuê homestay, kèm hướng dẫn viên dần phục hồi và khởi sắc lại từ đầu năm nay. Lượng khách đến đông hơn vào những ngày cuối tuần. Mùa này, du khách đến đây, sẽ thường đi chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.428 m hoặc đỉnh núi Chiêu Lầu Thi cao 2.402 m.

Năm 2021 vừa qua, là một năm đầy khó khăn và thử thách đối với những người làm du lịch như chị. Trong thời gian nghỉ dịch đó, chị Yêm vẫn làm các công việc nhà nông để duy trì cuộc sống. Đặc biệt, chị tận dụng nguồn đất đai sẵn có, cải tạo cảnh quan du lịch để thu hút khách du lịch ngày một đông hơn.

“Nằm trong vùng ruộng bậc thang và vùng chè san tuyết, khách du lịch đến đây có thể được trải nghiệm thực tế cuộc sống của người dân như hái chè, đi cày cuốc, cấy lúa, gặt lúa và bắt cá chép ruộng bậc thang, hay đi hái lá thuốc tắm của người Dao Đỏ”, chị Yêm chia sẻ.

Vừa dẫn đoàn khách đi tham quan khu du lịch, chị Yêm vừa nói, nhờ vào du lịch, cuộc sống của nhiều gia đình nơi đây có cái ăn cái mặc tốt hơn. Chị em phụ nữ có thể tận dụng được từ việc thêu thủ công những chiếc khăn, áo để bán cho du khách. Bởi vậy, mọi người chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi, để bà con nơi đây ổn định cuộc sống, có thêm thu nhập.

Là một hướng dẫn viên du lịch trẻ, tốt nghiệp đại học năm 2021, Vũ Thị Ngọc Hướng (sinh năm 1999, dân tộc Giáy), thích thú trong những ngày đầu năm mới, khi những vùng đất du lịch lại có những vị khách ghé thăm. Hướng cho biết, em bắt đầu dẫn tour từ ngày mùng 2 Tết. Đến nay, khách vẫn duy trì đều, đặc biệt vào ngày cuối tuần thường kín lịch.

Sinh ra và lớn lên tại Sapa (Lào Cai), cùng với niềm đam mê về văn hóa, Hướng bén duyên với du lịch. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, để duy trì công việc, Hướng dẫn các tour online trên nền tảng mạng xã hội, thu hút được nhiều du khách xem khi không thể trải nghiệm trực tiếp.

“Hơn 1 năm làm du lịch đến nay, bản thân em có thêm được nhiều cơ hội, trải nghiệm, giới thiệu văn hóa của đồng bào mình đến với du khách. Du lịch đã giúp đồng bào DTTS nơi đây có thể cải thiện, tận dụng từ việc sản xuất làm nương rẫy mà có thể bán các sản phẩm cho du khách đến tham quan”, Ngọc Hướng chia sẻ.

Vũ Thị Ngọc Hướng (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng đoàn trong chuyến tham quan tại bản Tả Phìn
Vũ Thị Ngọc Hướng (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng đoàn trong chuyến tham quan tại bản Tả Phìn

Kỳ vọng phát triển trong thời gian tới

Chủ tịch UBND thị xã Sapa Vương Trinh Quốc cho biết, vài năm trở lại đây, với sự phát triển của ngành Du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, đã tạo việc làm cho đồng bào DTTS nơi đây.

Theo ông Quốc, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, có 8.000 lao động làm việc trực tiếp cho các cơ sở lưu trú và dịch vụ. Đến thời điểm hiện tại, có 2.900 lao động đang làm việc trực tiếp. Bên cạnh đó, có những lao động gián tiếp phục vụ hỗ trợ cho ngành Du lịch như nuôi cá nước lạnh, hay làm những ngành nghề thủ công, như thêu thùa các đồ thổ cẩm, rèn trạm khảm bạc, hay làm hướng dẫn viên, làm dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận tải...

“Thời gian qua, du lịch nội địa có nhiều khởi sắc. Do đó, trong 9 ngày nghỉ Tết, Sapa đón hơn 100.000 lượt khách, tăng 10 lần so với dịp Tết năm 2021. Sau kỳ nghỉ Tết đến nay, mỗi 1 tuần Sapa đều duy trì đón 15.000 - 20.000 lượt khách du lịch. Với sự “khởi sắc” này, đây được coi là một kỳ vọng cho du lịch, đặc biệt góp phần giúp bà con DTTS ổn định và có thêm thu nhập”, ông Quốc nói.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Chi hội Cộng đồng du lịch Việt Nam cho biết, hoạt động du lịch cộng đồng ở một số địa phương vùng cao hiện nay, đang có chiều hướng phát triển. Với chính sách mở cửa du lịch, đất nước bước vào trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp đang bắt đầu khởi động lại các chương trình du lịch, các dịch vụ lộ tuyến trình, tuyển dụng thêm nhân sự cho ngành dịch vụ này.

Theo ông Quỳnh, để phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS tốt hơn trong thời gian tới, việc đầu tiên phải có sự phân tích và chọn lọc của những chuyên gia về du lịch cộng đồng, về văn hóa. Qua đó, tiếp tục nghiên cứu, biến những giá trị văn hóa thành những sản phẩm du lịch, từng bước thực hiện chủ trương lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn cho cộng đồng.

Chủ tịch Chi hội Cộng đồng du lịch Việt Nam kỳ vọng, với lượng khách tăng mạnh dịp đầu năm, sẽ góp phần kích cầu cho chương trình phục hồi du lịch trong năm 2022. Trong đó, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, đặc biệt tại vùng có nhiều đồng bào các DTTS, tạo sinh kế bền vững cho bà con.