Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Du lịch nông nghiệp ở Tây Nguyên: Tại sao không?

PV - 09:09, 26/01/2018

Hiện nay, khu vực Tây Nguyên đã hình thành những ngành sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bước đầu xây dựng được thương hiệu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như cà phê, hồ tiêu, cao su… Những tiềm năng này rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp, tuy nhiên lĩnh vực này vẫn còn bỏ ngỏ bởi đây là một hình thức du lịch mới.

Giàu tiềm năng…

Ở Việt Nam, du lịch nông nghiệp cũng đã được nhiều địa phương chú ý như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long… Một điểm cần nhắc đến như ở Làng hoa nổi tiếng Thái Phiên ở thành phố Đà Lạt là một địa chỉ rất hấp dẫn đối với du khách trong tour du lịch đến xứ sở ngàn hoa. Tại đây, du khách được tự tay cắt những nhành hoa đẹp, hái những trái dâu tây chín mọng, được trực tiếp tìm hiểu quy trình chăm sóc, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Hay ghé Mộc Châu, Sơn La thăm quan trang trại nuôi bò sữa, khách du lịch được xem tận mắt các công đoạn sản xuất sữa. Được tìm hiểu các quy trình sản xuất chè khi đến thăm các nông trường chè. Được thăm, tìm hiểu cuộc sống của người Mường ở bản Nà Bai, người Thái ở bản Phụ Mẫu 1, Phụ Mẫu 2, Phụ Mẫu 3… Không chỉ thăm quan, khách du lịch còn được tìm hiểu, tham gia vào các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, cộng đồng và các sự kiện đặc biệt của dân bản….

Trong khi đó, hiện Tây Nguyên đã phát triển thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Với thế mạnh của một vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày, cây hằng năm nên các tỉnh Tây Nguyên đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung có quy mô lớn về cây cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, chè, ngô lai, sắn (mì)…

Đặc sản cây bơ ở Tây Nguyên. Đặc sản cây bơ ở Tây Nguyên.

 

Đặc biệt, cà phê Tây Nguyên chiếm hầu hết diện tích và trở thành cây trồng có ưu thế tuyệt đối của vùng cũng như khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới, trong đó đứng số 1 thế giới về sản xuất, xuất khẩu cà phê vối.

Đó là những lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp không thua kém bất kỳ một vùng nào của cả nước. Vùng Tây Nguyên có đủ điều kiện để đầu tư phát triển loại hình du lịch nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, cho đến nay, dù có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Cần được đánh thức

Tây Nguyên có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp. Do đó, việc đưa du khách thăm quan những cơ sở nông nghiệp để trực tiếp tham gia vào các công đoạn sản xuất, chế biến sản phẩm là một cách làm nên phát huy. Qua đó, du khách sẽ được trải nghiệm, cảm nhận và thích thú với những nét đẹp trong lao động, trong văn hóa vùng miền.

Đơn cử, đối với cây cà phê ở Đăk Lăk, tuy là loại cây trồng phổ biến của vùng Tây Nguyên, nhưng nếu các nông hộ, hợp tác xã hay doanh nghiệp của địa phương xây dựng một mô hình nhà vườn sản xuất cà phê khép kín phục vụ khách thì không phải địa phương nào cũng có. Đó là mô hình sản xuất cà phê sạch để du khách tham gia từ trồng trọt, chăm sóc, bảo quản đến chế biến. Sản phẩm làm ra du khách có thể thưởng thức hoặc bán ngay tại chỗ sẽ gây được cảm tình và tạo thêm nguồn thu cho nhà vườn.

Hay việc phối hợp với doanh nghiệp xây dựng thành vườn cao su du lịch, hồ tiêu du lịch đặc biệt là mùa cao su thay lá, mùa thu hoạch, thăm các nhà máy chế biến… cũng khiến du khách tìm thấy cảm giác mới lạ, hiểu hơn về công đoạn lao động, sản xuất của người Tây Nguyên…

Ngoài ra, tại các vườn cây ăn quả, các trang trại chăn nuôi nếu đưa vào khai thác theo hình thức giới thiệu mô hình chăn nuôi thân thiện, xây dựng các trò chơi, giải trí bằng chính các con vật nuôi và bán sản phẩm tự có từ trang trại sẽ được du khách quan tâm tham gia.

Theo các chuyên gia nông nghiệp cho biết, việc thực hiện các mô hình du lịch nông nghiệp là một hình thức xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả và tiếp thị về hồ sơ xuất xứ sản phẩm, nhất là khi nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn đang là mối quan tâm số một của người dân trong giai đoạn hiện nay.

Để làm được điều này, nhất thiết các tỉnh Tây Nguyên phải có chiến lược rõ ràng để định hướng lĩnh vực du lịch nông nghiệp phát triển.

Theo đánh gia của các chuyên gia, hiện nay trên thế giới đã và đang rất thành công với các hình thức du lịch nông nghiệp nhất các nước phát triển ở châu Âu. Ở Việt Nam loại hình du lịch này vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tư nhân hoạt động vẫn đang gặp khó khăn trong việc phát triển bền vững sản phẩm và kết nối doanh nghiệp lữ hành, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm quan.

BÁ THĂNG