Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Du lịch mở cửa an toàn từ 15/3: Phục hồi, phát triển bền vững

PV - 09:15, 15/03/2022

Ngày 15/3 là thời điểm Việt Nam mở cửa lại hoàn toàn với hoạt động du lịch, đánh dấu giai đoạn hồi sinh của du lịch Việt Nam sau hơn 2 năm “ngủ đông”. Chính sách nhất quán về điều kiện mở cửa sẽ giúp du lịch phát triển bền vững giai đoạn tới.

Khách du lịch quốc tế hào hứng với những tour du lịch trải nghiệm tại Việt Nam.
Khách du lịch quốc tế hào hứng với những tour du lịch trải nghiệm tại Việt Nam.

Các địa phương khởi động

Để thích ứng với việc mở cửa lại du lịch, một loạt tỉnh thành đã khởi động, xúc tiến, quảng bá và mở cửa lại hoạt động du lịch dịch vụ. Đơn cử như thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ hội áo dài, tỉnh Điện Biên tổ chức lễ hội hoa ban; Thanh Hóa công bố biểu trưng và khẩu hiệu du lịch, đồng thời phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách quốc tế đến Thanh Hóa…

Trong thời gian qua, dù chưa công bố các điều kiện phòng dịch cụ thể cho khách quốc tế khi nhập cảnh, thủ tục làm visa nhưng các địa phương, doanh nghiệp cũng đã lập kế hoạch và tạo dựng sản phẩm. Hai trung tâm du lịch lớn của cả nước là “đầu tầu” phân phối khách đi các vùng miền đã có kế hoạch đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3.

Theo đó, thành phố Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch phục hồi du lịch theo từng giai đoạn. Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Về phát triển sản phẩm mới, trong năm 2022, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành uy tín tập trung nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ Trung tâm Thành phố đến Làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất, Quốc Oai và Sơn Tây, Ba Vì. Sở Du lịch cũng sẽ vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia, quảng bá hình ảnh thông qua các sự kiện du lịch do Sở phối hợp và chủ trì như: Chương trình Get on Hà Nội 2022, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội trình diễn kinh khí cầu, Lễ hội kích cầu du lịch… Đặc biệt Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Ggames 31 cũng là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp có thể quảng bá các sản phẩm du lịch đối với khách quốc tế.

Cùng với đó, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với Trường Cao Đẳng Du lịch Hà Nội xây dựng và triển khai các lớp đào tạo bồi dưỡng nhân lực Du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Qua đó, giúp phục hồi và xây dựng đội ngũ lao động ngành Du lịch.

Để thu hút khách quốc tế, những điểm đến trên địa bàn phải đầu tư điểm nhấn, có nét độc đáo, nổi bật, nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ sở lưu trú, tăng cường quảng bá ẩm thực Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, một điểm nhấn là đẩy mạnh chương trình truyền thông điểm đến thành phố trên các kênh truyền thông trong nước, quốc tế và kênh trực tuyến, mạng xã hội… Đồng thời, Sở Du lịch Thành phố đã công bố danh sách các khách sạn đủ điều kiện đón, phục vụ khách quốc tế đến thành phố với 34 khách sạn với hơn 6.800 phòng… Sở Du lịch Thành phố đã ký kết hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch bền vững trên địa bàn thành phố, đặc biệt là thu hút khách quốc tế...

Trong khi đó, theo Sở Du lịch Đà Nẵng, với phương án mở cửa hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới, để đón và phục vụ khách quốc tế quay lại, cùng với việc nối lại các đường bay, hiện có 50% số cơ sở lưu trú tại thành phố Đà Nẵng mở cửa phục vụ khách và 150 đơn vị lữ hành đang hoạt động trở lại với nhiều sản phẩm mới, thú vị. Đà Nẵng hướng tới 5 thị trường chính là Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, sau đó là thị trường khách Đông Nam Á. Đến nay, hệ thống dịch vụ cũng như cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng.

Còn các tỉnh Nam Trung Bộ hướng đến đón luồng khách du lịch trong dịp hè này. Đơn cử như Khánh Hòa sẽ tổ chức nhóm 18 sự kiện, hoạt động dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, gắn với Lễ hội Tháp Bà Ponagar, Lễ hội Am Chúa (hai hoạt động văn hóa thường niên mang đậm nét dân gian truyền thống và có quy mô lớn nhất tỉnh); trong đó, có nhiều hoạt động như chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Thiên YA Na,” biểu diễn làm gốm, dệt thổ cẩm, múa Chăm tại Tháp Bà Ponagar…

Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên có kế hoạch phối hợp với hai tỉnh Bình Định, Khánh Hòa xây dựng gói tham quan, nghỉ dưỡng theo phương thức “một chuyến bay, nhiều điểm đến.” Theo đó, du khách có thể đến Bình Định hoặc Khánh Hòa rồi tiếp tục tham quan nghỉ dưỡng tại Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên...

Hướng tới sự phát triển bền vững

Cùng với các địa phương, các doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị các sản phẩm để công bố tới đối tác và khách hàng. Ông Phạm Hà, CEO Lux Group cho biết: Đơn vị đã chuẩn bị sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tàu tại Vịnh Hạ Long và giới thiệu tới khách hàng. Tuy nhiên, các điều kiện liên quan đến thủ tục nhập cảnh, giá dịch vụ vẫn phải để chờ sau khi có thông tin chính thức từ phía Chính phủ. Với doanh nghiệp lữ hành đón khách quốc tế với thời gian chuẩn bị vài tháng thì quan trọng nhất là sự nhất quán trong chính sách, triển khai đồng loạt giữa các địa phương. Có như vậy, đơn vị mới có điều kiện tạo được sự tin tưởng với đối tác khi quảng bá về sản phẩm du lịch Việt Nam.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Bích, Tổng Giám đốc Crystal Holidays, đơn vị cũng khởi động lại hệ thống từ khảo sát hạ tầng, dịch vụ,, nhân lực…. Từ kết nối chuỗi dịch vụ để tìm điểm nhấn đặc trưng giới thiệu và chào thăm dò trên các trang dịch vụ quốc tế, so sanh giá cả, nhận xét khách hàng để tối ưu hóa sản phẩm.

“Tuy vậy, với du khách quốc tế, việc công bố mở cửa với các điều kiện về visa, phòng dịch mới là điều kiện cần ban đầu để lựa chọn, xác định chuyến đi. Khi khách vào còn rất nhiều vấn đề phát sinh phải xử lý như đoàn có khách F0? Chi phí phát sinh với tình huống bất khả kháng như thế nào? Dịch vụ y tế Việt Nam có đáp ứng với yêu cầu cách ly, điều trị F0? Đây là cả vấn đề mà doanh nghiệp du lịch đón khách quốc tế phải tính đến. Do đó, thời điểm công bố mở cửa đón khách quốc tế từ 15/3 mới chỉ là bước khởi đầu để doanh nghiệp có thể chốt được điều kiện cần ban đầu khi khách vào về mặt y tế, chuyến bay, visa”, ông Nguyễn Ngọc Bích cho biết.

Trong hơn một tháng qua, khi có thông tin về Chính phủ ấn định mốc 15/3 mở cửa hoàn toàn du lịch, các doanh nghiệp du lịch còn hoạt động sau 2 năm cũng đã khởi động lại, kết nối với đối tác, xây dựng sản phẩm. “Mọi việc mới chỉ mang tính chất khởi động bước đầu về đánh giá lại dịch vụ. Thời gian tới còn là khảo sát lại nhu cầu của khách, xúc tiến thị trường mục tiêu, cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp… Tuy nhiên, du lịch chính thức bước vào giai đoạn phát triển bình thường mới, sự phục hồi có thể chậm nhưng chắc, bền vững”, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông, Giám đốc Flamingo Redtour cho biết./.

Theo dự kiến, chiều tối ngày 15/3, Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ tổ chức Hội nghị triển khai công bố mở cửa du lịch quốc tế, an toàn, hiệu quả. Theo đó, Việt Nam sẽ công bố cụ thể các điều kiện nhập cảnh bao gồm các điều kiện về phòng dịch, visa...