Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng Nai: Phá rừng làm dự án khu dân cư - Vi phạm đã rõ, bao giờ xử lý? (Bài 2)

Lê Thuận - Mạnh Hùng - 22:03, 06/11/2020

Như số Báo trước đã phản ánh, trong khi hậu quả của những sai phạm chưa được xử lý dứt điểm, vào đầu tháng 12/2019, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) Lê Hữu Đảng bất ngờ “hạ bút” ký phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) để thực hiện Dự án xây dựng khu dân cư (KDC) Phú An Lành tại xã Sông Trầu theo Quyết định số 6019/QĐ-UBND trên diện tích đất rừng đang tranh chấp và giao trái pháp luật. Điều bất ngờ hơn, Giám đốc của Dự án này là bà Nguyễn Ngọc Tú, người đang chiếm dụng trái phép một phần diện tích rừng nói trên.

Khu đất nhà bà Mai vẫn còn tranh chấp được giao cho Công ty Phú An Lành làm khu dân cư
Khu đất nhà bà Mai vẫn còn tranh chấp được giao cho Công ty Phú An Lành làm khu dân cư

Tháng 4/2020, Dự án KDC Phú An Lành được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 do ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh ký. Khảo sát thực tế, chúng tôi phát hiện toàn bộ hơn 100ha rừng trồng đã bị đốn chặt, trong đó có rất nhiều cây lớn 20 - 30 năm tuổi. Hiện tại, chủ đầu tư san lấp, làm hạ tầng, xây dựng rầm rộ KDC Phú An Lành. 

Khi Dự án KDC Phú An Lành được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, bà Huỳnh Thị Mai mới phát hiện toàn bộ diện tích đất của gia đình mình nằm trong quy hoạch KDC nhưng lại không được bồi thường. Trong khi đó, bà Trần Thị Lành, bà Nguyễn Ngọc Tú là những người đang bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dựng đất (sổ đỏ) lại được Nhà nước bồi thường hàng trăm tỷ đồng và bà Nguyễn Ngọc Tú lại có thể xoay chuyển đất rừng thành dự án KDC do mình làm Giám đốc? 

Cụ thể, trong Dự án này, bà Huỳnh Thị Mai có 12ha diện tích cây rừng trên đất đã được thu hoạch, chuẩn bị trồng rừng mới thì nhận thông tin quy hoạch Dự án KDC Phú An Lành rộng 95ha trùm lên 12ha đất của bà nhưng không được bồi thường. Gia đình bà Mai liên tục gửi đơn khiếu nại khẩn cấp lên UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị giải quyết. 

 Hiện, toàn bộ diện tích rừng mà gia đình bà Mai được giao đã bị xóa sổ khi đất rừng được UBND huyện Trảng Bom chuyển đổi và giao cho Công ty CP Phú An Lành xây dựng thành KDC. Quá bất bình, bà Mai đã làm đơn tố cáo ông Lê Hữu Đảng, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, đồng thời đề nghị ngăn chặn việc đền bù cho các đối tượng chiếm dụng đất rừng trái pháp luật, nhưng UBND huyện Trảng Bom vẫn chi trả số tiền cho các hộ gồm: Bà Trần Thị Lành, bà Nguyễn Thị Bích Hoa, bà Nguyễn Thị Hường và bà Nguyễn Ngọc Tú... với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Liên quan đến sự việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cũng trả lời văn bản cho bà Huỳnh Thị Mai với nội dung: “UBND huyện Trảng Bom cấp sổ đỏ cho bà Nguyễn Bích Hường, Nguyễn Thị Bích Hoa, Trần Thị Lành, tại thửa đất số 28, số 31, số 52, số 53 tờ bản đồ địa chính số 39 xã Sông Trầu là không đúng đối tượng. Và giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, giải quyết dứt điểm việc bồi thường cho gia đình bà Mai trong tháng 1/2018”.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sự việc vẫn không được xử lý dứt điểm theo đúng pháp luật. Đến nay, bà Mai vẫn chờ sự giải quyết của các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Đồng Nai trong vô vọng. 

Bà Huỳnh Thị Mai nhiều năm ngồi xe lăn đi đòi đất
Bà Huỳnh Thị Mai nhiều năm ngồi xe lăn đi đòi đất

Được biết, Dự án KDC Phú An Lành có tổng số diện tích đất bị thu hồi, thực hiện bồi thường, hỗ trợ là 912.603,6m2 đất nông nghiệp và 22.680,7m2 đất giao thông, do UBND xã Sông Trầu quản lý. Dư luận đang quan tâm việc giao đất thực hiện Dự án KDC Phú An Lành được thực hiện như thế nào khi diện tích đất nằm trong Dự án đang có tranh chấp? Theo nguồn tin riêng của chúng tôi thì sau khi Công ty CP Phú An Lành được phê duyệt Dự án quy hoạch 1/500 thì đã chuyển nhượng cho đối tác khác để thu lợi hàng trăm tỷ đồng. 

Như vậy, bà Nguyễn Ngọc Tú vừa được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với tư cách là người bị thu hồi đất (dù sở hữu trái pháp luật), vừa là đại diện chủ đầu tư Dự án được phê duyệt và đã chuyển nhượng “trót lọt” để thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Vậy Quyết định 6019/QĐ-UBND của UBND huyện Trảng Bom có sai về thẩm quyền và trái pháp luật? Trách nhiệm của các cán bộ, lãnh đạo huyện trong vụ việc này là như thế nào?...

Trong diễn biến khác, ngày 30/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo UBND huyện Trảng Bom rà soát, thẩm tra việc cấp sổ đỏ cho vợ và con ông Phúc, báo cáo UBND tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, UBND huyện Trảng Bom chưa có báo cáo UBND tỉnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Hải, nguyên Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom (1994 - 1999) cho biết, chính ông đã động viên bà Mai nhận 12ha trồng rừng và ông cũng đã chỉ đạo xã Sông Trầu giao đất cho bà Mai. Sau này, khi luân chuyển về làm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, ông Đoàn Hải còn giao hộ bà Mai giống cây xà cừ để trồng rừng theo kế hoạch của Sở.

“UBND huyện Trảng Bom dựa trên cơ sở nào để cấp sổ đỏ cho hộ ông Nguyễn Văn Phúc? Tôi kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai thành lập đoàn thanh tra xác minh làm rõ nội dung tố cáo của bà Mai”, ông Đoàn Hải nói.