Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Động lực mới từ cách tiếp cận mới

Sỹ Hào - 13:35, 05/02/2024

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã đi được gần nửa chặng đường. Bên cạnh những chính sách mới, Chương trình tích hợp nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ từ giai đoạn trước, được triển khai thực hiện trên quan điểm đầu tư phát triển. Bởi vậy, Chương trình MTQG 1719 đã tạo động lực mới, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nguồn đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 đã và đang đem lại những cái Tết đủ đầy, Xuân no ấm cho đồng bào ở các địa bàn đặc biệt khó khăn. (Trong ảnh: Bà con thôn Nia Do, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vui hội Xuân)
Nguồn đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 đã và đang đem lại những cái Tết đủ đầy, Xuân no ấm cho đồng bào ở các địa bàn đặc biệt khó khăn. (Trong ảnh: Bà con thôn Nia Do, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vui hội Xuân)

Nhìn từ Giàng Chu Phìn

Hương Xuân mới đã tỏa khắp các bản làng, phum sóc, thôn buôn. Nhiều hộ đồng bào DTTS chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn với niềm vui trong những ngôi nhà mới được hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.

Trong ngôi nhà “3 cứng” đã hoàn thiện, ông Vàng Nỏ Lúa, dân tộc Mông, ở thôn Nia Do, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang không giấu được niềm phấn khích. “Năm 2023, gia đình được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, cộng thêm số tiền tích góp và bà con trong thôn hỗ trợ ngày công, tôi đã xây được căn nhà mới để ở, hoàn thành trước Tết. Vui lắm!”, ông Lúa phấn khởi cho biết.

Niềm vui của ông Lúa cũng là tâm trạng của 18 hộ khác trên địa bàn xã Giàng Chu Phìn khi được ở trong những căn nhà mới. Từ nguồn lực thuộc Chương trình MTQG 1719, trong năm 2023, xã Giàng Chu Phìn đã hỗ trợ để 19 hộ dân có nhà ở. Đồng thời, vốn Chương trình MTQG 1719 còn được phân bổ để xã Giàng Chu Phìn đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế, giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… của Nhân dân trên địa bàn. Năm 2023, xã đã hoàn thành bê tông hóa tuyến đường giao thông thôn Tràng Hương; xây dựng 2 nhà văn hóa cộng đồng thôn Há Đề và thôn Hố Quáng Phìn…

Với nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, xã Giàng Chu Phìn đã đạt được thành tựu ấn tượng trong giảm nghèo. Với hơn 1.000 hộ, hơn 5.600 nhân khẩu (100% là dân tộc Mông), cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 63,08%; đến hết năm 2023, Giàng Chu Phìn giảm được hơn 6,6% hộ nghèo so với năm 2022.

Cũng như xã Giàng Chu Phìn, Chương trình MTQG 1719 đang tạo sức bật mới trong công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kết thúc năm 2023, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cả nước còn 2,93%, (giảm 1,1% so với năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%), tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%). Với Chương trình MTQG 1719, hết năm 2023 đã có 4/7 nhóm mục tiêu cơ bản hoàn thành (3 nhóm mục tiêu hoàn thành); trong đó giảm nghèo nằm trong nhóm mục tiêu hoàn thành (bình quân đạt tỷ lệ giảm nghèo 3,4%/năm).

Cùng với vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, vốn vay tín dụng ưu đãi, các địa phương còn huy động sự tham gia của cộng đồng giúp hộ nghèo xây dựng nhà ở. (Trong ảnh: Bà con thôn thôn Đề Lảng, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang giúp một hộ dân được thụ hưởng chính sách xây nhà mới)
Cùng với vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, vốn vay tín dụng ưu đãi, các địa phương còn huy động sự tham gia của cộng đồng giúp hộ nghèo xây dựng nhà ở. (Trong ảnh: Bà con thôn thôn Đề Lảng, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang giúp một hộ dân được thụ hưởng chính sách xây nhà mới)

Động lực mới từ cách tiếp cận mới

Sau 3 năm triển khai, Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư, hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Không chỉ giúp đồng bào các dân tộc tạo sinh kế, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống mà Chương trình còn tạo sức bật cho các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn lực của Chương trình MTQG 1719 đã góp phần quan trọng giúp các địa phương vùng đồng bào DTTS có bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cao như: Bắc Giang (13,45%), Hậu Giang (12,27%), Ninh Thuận (9,4%), Phú Yên (9,16%), Bình Phước (8,34%)…

Nhìn lại để thấy, rất nhiều nội dung đầu tư, hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG 1719 là những chính sách đã được triển khai thực hiện trong các giai đoạn trước, như: đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất… Nhưng điểm khác biệt làm nên sức bật của Chương trình MTQG 1719 chính là quan điểm đầu tư để phát triển, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, không còn chính sách “cho không” để giải quyết tình thế như các giai đoạn trước.

Trước hết, gia đình ông Lúa đã được đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn trong căn nhà “3 cứng” kiên cố; ra Giêng sẽ tính sinh kế lâu dài từ vốn hỗ trợ cây con giống vừa được giải ngân từ Chương trình MTQG 1719. Những cái tết đủ đầy, xuân no ấm đang đón đợi gia đình ông Vàng Nỏ Lúa cũng như nhiều hộ đồng bào DTTS ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, được thụ hưởng chính sách đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719”.

Trở lại với gia đình ông Vàng Nỏ Lúa, ở thôn Nia Do, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang để thấy rõ quan điểm đầu tư phát triển trong chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS thuộc Chương trình MTQG 1719. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo như gia đình ông Lúa đã được triển khai từ hàng chục năm nay; nhưng trước đây định mức hỗ trợ trong các chương trình, dự án đều thấp, dao động từ 5 - 10 triệu đồng/hộ.

Với mục tiêu tạo nền tảng để đồng bào thoát nghèo bền vững, Chương trình MTQG 1719 đã nâng mức hỗ trợ xây mới nhà ở lên 44 triệu đồng/hộ (sửa chữa 30 triệu đồng/hộ). Để nhà ở đạt yêu cầu “3 cứng”, có tuổi thọ 20 năm trở lên, gia đình ông Lúa còn được vay thêm 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời ông đối ứng thêm kinh phí tích lũy được, bà con trong thôn giúp đỡ ngày công. Vị chi, chi phí xây mới nhà ở của gia đình ông Lúa cũng hơn trăm triệu đồng.

Được hỗ trợ để an cư lâu dài trong căn nhà “3 cứng”, gia đình ông Lúa còn được hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế từ Chương trình MTQG 1719. Cùng với việc thôn Nia Do, xã Giàng Su Phìn được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thì đây là những điều kiện cần và đủ để gia đình ông Lúa không chỉ thoát nghèo mà còn có cơ hội vươn lên khá giả trong tương lai gần.