Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng hành với nông dân

PV - 16:27, 10/02/2022

Năm 2015, ông Lưu Chí Mười đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Bằng sự nhiệt huyết trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như gắn bó cùng bà con, nên ông Mười thu hút được sự tham gia của nông dân vào tổ chức Hội. Từ đó, nhiều mô hình trợ giúp nhau trong nông dân đã được hình thành, duy trì thường xuyên, rồi trở thành chỗ dựa cho bà con.

Ông Lưu Chí Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình tìm hiểu thông tin khoa học - kỹ thuật nông nghiệp được đăng tải trên không gian mạng để phổ biến cho hội viên
Ông Lưu Chí Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình tìm hiểu thông tin khoa học - kỹ thuật nông nghiệp được đăng tải trên không gian mạng để phổ biến cho hội viên

Ông Mười cho hay, xã có 15 thành phần dân tộc. Mỗi dân tộc điều có phương thức canh tác riêng. Thời gian trước đây, có một thực tế là chỉ những nông dân có điều kiện mới tiếp cận rồi ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, còn đa phần bà con làm nông theo kinh nghiệm là chính, thiếu sự đồng bộ, thiếu tương trợ nhau.

Từ thực tế này, thông qua nắm bắt nguyện vọng của bà con, ông đã đề xuất mở các lớp dạy nghề về nuôi dê, kỹ thuật trồng chuối, làm phân hữu cơ… qua đó góp phần giúp phát triển vùng trồng chuối cấy mô, tận dụng phụ phẩm từ cây chuối để phát triển chăn nuôi dê trên địa bàn xã Thanh Bình. Nhờ vậy mà nông dân trên địa bàn xã được hướng dẫn kỹ thuật mới giúp đem lại năng suất cao, giảm chi phí đầu tư.

Thành quả của các lớp dạy nghề này còn được đánh dấu bằng việc vào tháng 12/2021, Tổ nghề nghiệp trồng chuối bằng phương pháp hữu cơ trực thuộc Hội Nông dân xã đã ra đời với 15 thành viên. Khi tham gia vào tổ nghề nghiệp này, bà con nông dân cam kết sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, quá trình canh tác hạn chế tác động đến môi trường và không ảnh hưởng sức khỏe con người.

Ngoài ra, thông qua xây dựng quỹ hội, hiện ông Mười đã huy động được gần 80 triệu đồng để cho các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn canh tác với số tiền theo nhu cầu từ 5 - 20 triệu đồng. Hay khi các HTX, Tổ hợp tác, nông dân cần vốn để đầu tư, ông đã chủ động hỗ trợ bà con tiếp cận nguồn vốn vay từ tín dụng chính sách, nguồn quỹ của các cấp Hội Nông dân. Như mới đây, thông qua kết nối của Hội Nông dân xã, HTX Nông nghiệp sạch Thanh Bình đã được vay 130 triệu đồng, rồi 5 hộ nông dân được vay mỗi hộ 10 triệu đồng… từ quỹ Hội Nông dân các cấp để đầu tư sản xuất.

Ông Sỳ Văn Hưng (Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại ấp Tân Thành, xã Thanh Bình) cho hay, nhờ nỗ lực của tập thể Hội Nông dân xã cũng như cá nhân ông Mười mà nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân từ việc tiếp cận kỹ thuật mới, đến nguồn vốn được diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, để kịp thời động viên những người làm công tác nông dân ở ấp, tổ tiếp tục chung sức đóng góp vì cộng đồng, mỗi năm ông Mười chủ động tìm kiếm nguồn hỗ trợ để trao tặng 30 phần quà cho mọi người. Ông Mười chia sẻ: “Để công tác Hội ở cơ sở vận hành suôn sẻ, đạt kết quả tốt thì đóng góp của các thành viên Ban chấp hành Hội, những người phụ trách các ấp, tổ là rất quan trọng. Dù không có sự hỗ trợ nào về kinh phí hoạt động song mỗi người đều rất trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Do vậy, trong khả năng của mình, tôi mong muốn động viên mỗi người tiếp tục gắn bó, đóng góp cho công tác Hội”.

Không chỉ vậy, trong thời điểm địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ông Mười đã gắn kết những nông dân, mạnh thường quân cùng đóng góp gạo, rau xanh và các loại thực phẩm, lương thực khác với giá trị gần 200 triệu đồng để trao tặng cho các gia đình trên địa bàn xã. Ngoài ra, từ tiền lương hằng tháng của mình, ông Mười đã tự nguyện ủng hộ 6 triệu đồng để hỗ trợ những người làm công tác phòng, chống dịch./.