Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng bào Khmer ở Trà Vinh: Đón Tết cổ truyền trong niềm vui no ấm

PV - 09:56, 12/04/2019

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là dịp thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà. Do đó, dù có đi làm ăn xa cũng tranh thủ về trước mộ phần thắp hương tưởng nhớ. Tại những phum, sóc có điều kiện, người ta có thể tổ chức lễ “làm phước” khá long trọng và mời các sư đến tụng kinh cầu siêu. Sau khi đến chùa, người Khmer thường về nhà sum họp gia đình hoặc đến thăm họ hàng gần xa, chúc nhau mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt.

Các thiếu nữ dân tộc Khmer biểu diễn điệu múa truyền thống trong dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Ảnh TL Các thiếu nữ dân tộc Khmer biểu diễn điệu múa truyền thống trong dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Ảnh TL

Sự đổi thay, sung túc ở phum sóc hiện rõ qua việc tổ chức đón Tết của đồng bào Khmer Trà Vinh. Cái nắng nhẹ xen cơn mưa trái mùa giữa những ngày tháng Tư đã xoa dịu oi bức, tạo không khí mát mẻ cho bà con đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây thêm vui vẻ. Theo ông Thạch Mu Ni, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, đồng bào DTTS nói chung, Khmer nói riêng ở tỉnh Trà Vinh đã được thụ hưởng nhiều chính sách của Ðảng và Nhà nước; cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng hoàn thiện; hàng nghìn hộ đồng bào DTTS nghèo được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vốn sản xuất… để vươn lên thoát nghèo.

Riêng năm 2018, Trà Vinh được Trung ương phân bổ hơn 51 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và đào tạo nâng cao năng lực cán bộ. Ngoài ra, tỉnh cũng sử dụng gần 242 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ tín dụng ưu đãi và chuyển đổi nghề cho hàng ngàn lượt hộ đồng bào Khmer... “Nhờ vậy, hiện nay Trà Vinh có khoảng 10.000 hộ đồng bào Khmer nghèo (chiếm 11,21% tổng số hộ Khmer); 100% số xã có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã, ấp có điện lưới quốc gia; 93% hộ đồng bào Khmer được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...”, ông Thạch Mu Ni nói.

Đến ấp Kim Câu, xã Kim Hòa (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh), diện mạo phum, sóc cũng ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của bà con Khmer được nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất sản xuất, tạo điều kiện vay vốn; từ đó xuất hiện nhiều những mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nuôi bò sinh sản, nuôi heo và nuôi gà bằng đệm lót sinh học hay mô hình trồng ớt trên đất giồng cát... đã giúp đời sống của bà con phát triển đáng kể.

Anh Thạch Rích ở ấp Kim Câu, xã Kim Hòa, những năm trước kinh tế khó khăn, ít đất sản xuất nên cuộc sống gia đình anh Rích luôn thiếu trước hụt sau, không có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Năm 2015, được hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn vốn dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, gia đình anh Rích đã mua bò về nuôi. Đến nay, nhờ chăm sóc tốt, anh đã có 3 con bò, cuộc sống vì thế ổn định hơn. Tết cổ truyền dân tộc Khmer cũng vì thế tươi vui, đầy đủ hơn rất nhiều.

Còn hộ chị Kim Thị Tèo ở ấp Bình Trị, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú (Trà Vinh) sinh ra trong một gia đình nghèo, duy nhất chỉ có chưa đầy 2 công đất cha mẹ cho khi đi lấy chồng, sống chủ yếu làm thuê. May mắn đến với gia đình chị Tèo khi được tiếp cận liền 3 chương trình tín dụng của NHCSXH huyện Trà Cú, đó là vay vốn hộ nghèo và vốn xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tổng cộng đến trên 60 triệu đồng. Theo đó, chị cũng được sự tư vấn của cán bộ tín dụng chính sách và cán bộ khuyến nông huyện, để đầu tư nuôi bò, trồng rau màu (dưa leo, mướp đắng). Sau 3 năm chăm lo tốt việc chăn nuôi trồng trọt, gia đình chị đã có đàn bò 6 con béo khỏe, 6 vụ rau xanh sạch bội thu, trị giá khoảng 150-200 triệu đồng/năm.

“Nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình làm ra số tiền lớn lao như vậy, tất cả nhờ vay vốn từ NHCSXH đấy. Nay gia đình tôi ai cũng phấn khởi tích cực lao động, gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH, trả nợ, lãi cho ngân hàng đúng hạn”, chị Tèo chia sẻ.

Trong những ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, người Khmer Trà Vinh tạm gác việc đồng áng, buôn bán. Họ chỉ chuyên tâm đến chùa lễ Phật và cầu nguyện cho ông bà. Ngoài ra, các điểm chùa Khmer còn là nơi diễn ra những trò chơi dân gian bi sắt, kéo dây, bắn chàm hay ném khăn... Tất cả diễn ra trong khung cảnh thanh bình, no ấm thể hiện cuộc sống mới ngày càng sung túc của người Khmer Trà Vinh.

PHƯƠNG NGHI