Chánh trương Giáo xứ Liên Nghĩa Trần Văn Tiêu tuyên truyền, vận động bà con giáo dân xã Nga Thái (Nga Sơn) tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa, sống “tốt đời, đẹp đạo”Sống tốt đời, đẹp đạo
Tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 154.000 giáo dân, phân bố tại 26 huyện, thị xã, thành phố. Những năm qua, nhận được sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Tuyên giáo Dân vận Tỉnh ủy và Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo đã được triển khai sâu rộng.
Nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” đã thấm sâu vào đời sống của các khu dân cư, tạo nên mối đoàn kết bền chặt giữa đồng bào lương - giáo.
Hưởng ứng phong trào, giáo dân ở nhiều địa phương đã phát huy tinh thần sáng tạo, cần cù, xây dựng thành công các mô hình kinh tế hiệu quả như trang trại, gia trại, phát triển nghề phụ và giữ gìn nghề truyền thống. Nhiều hộ có thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng/năm, hàng nghìn lao động địa phương được tạo việc làm với mức lương ổn định 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Nhiều linh mục, tu sĩ, chức việc còn trở thành tấm gương điển hình trong lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.
Hộ gia đình giáo dân tổ dân phố Yên Châu, Giáo xứ Hoài Yên (phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn) tự nguyện tháo dỡ tường rào, hiến đất mở rộng đường giao thôngĐồng hành cùng chương trình xây dựng nông thôn mới, giáo dân trong tỉnh đã tự nguyện đóng góp hơn 640 tỷ đồng, gần 1,5 triệu m² đất, tháo dỡ hàng nghìn công trình dân sinh, góp hơn 590.000 ngày công để xây dựng nhà văn hóa, mở rộng đường giao thông, chỉnh trang hạ tầng nông thôn.
Những đóng góp thiết thực đó đã góp phần đưa 14 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, cùng 388 xã và 816 thôn, bản hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó có nhiều đơn vị đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu.
Gương sáng giữa đời thường
Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong cộng đồng công giáo đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Nhiều gia đình giáo dân, linh mục, tu sĩ mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình VAC, phát triển làng nghề truyền thống, phát triển cây con đặc sản của từng vùng miền… mang lại thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu, đồng thời còn tạo việc làm cho hàng chục lao động tại chỗ.
Nhiều mô hình trồng cây ăn quả của giáo dân ở vùng núi Thanh Hóa cho hiệu quả kinh tế caoTrong vùng giáo dân, các vị linh mục, tu sĩ là điểm tựa tinh thần, hướng dẫn cộng đồng sống chan hòa, tích cực tham gia công tác từ thiện, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự. Qua lời giảng và việc làm, họ vun đắp đức tin vững bền cho giáo dân, đồng thời kết nối, xây dựng tình đoàn kết lương – giáo trong khu dân cư.
Điển hình như Linh mục Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Caritas Giáo phận Công giáo Thanh Hóa. “Với vai trò Giám đốc Caritas Giáo phận Thanh Hóa, Linh mục Thường luôn nỗ lực vận động bà con giáo dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Từ nguồn quỹ Bác ái do các nhà hảo tâm và giáo dân đóng góp, 5 năm qua, chúng tôi đã tổ chức hàng trăm chuyến thiện nguyện, trao hơn 54.000 suất quà, xây dựng 254 nhà tình thương, tặng học bổng, máy lọc nước, hỗ trợ hàng nghìn suất cơm từ thiện, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, với tổng trị giá trên 100 tỷ đồng”, Linh mục Nguyễn Văn Thường khẳng định.
Ngoài ra, các giáo phận, giáo xứ cùng giáo dân cũng tích cực chung tay hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai, dịch bệnh; phối hợp xây nhà cho hộ giáo dân nghèo sống trên sông, góp phần xây dựng cuộc sống ổn định, an cư lạc nghiệp.
Chung nhịp sống, chung niềm tin
Trong mỗi dịp lễ trọng hay các sự kiện lớn của tỉnh, hình ảnh đồng bào công giáo cùng Nhân dân sở tại tổ chức hoạt động chào mừng, treo cờ hoa, dọn dẹp đường làng ngõ xóm, trang hoàng khu dân cư thể hiện rõ nét sự đồng lòng và gắn bó. Đồng bào Công giáo không đứng ngoài cuộc, mà hòa mình vào dòng chảy chung của dân tộc, bằng trái tim nồng nhiệt và tinh thần trách nhiệm, đoàn kết cùng chung nhịp sống, chung niềm tin.
Từ những đóng góp đầy ý nghĩa ấy, có thể khẳng định, đồng bào Công giáo Thanh Hóa không chỉ sống đức tin bằng lời rao giảng, mà còn bằng hành động cụ thể trong lao động, học tập, sẻ chia, cống hiến. Đó là những hạt giống tốt gieo trồng nơi đất lành xứ Thanh, là hành trình hiện thực hóa tinh thần “Phúc âm giữa lòng dân tộc”.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Kết quả của phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo thời gian qua, là minh chứng sinh động cho tinh thần “sống phúc âm giữa lòng dân tộc" để phục vụ hạnh phúc của đồng bào. Giáo dân không chỉ sống tốt đời, đẹp đạo mà còn là lực lượng quan trọng đồng hành cùng chính quyền và Nhân dân trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.