Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng bằng Sông cửu Long: Thiệt hại nặng nề do triều cường

PV - 15:22, 30/10/2018

Trong những ngày cuối tháng 10, tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục xuất hiện mưa dầm kết hợp với triều cường lớn nhất trong 40 năm qua. Ở vùng hạ nguồn, triều cường dâng cao bất thường và lan ngược đến vùng đầu nguồn. Mức độ rủi ro do triều cường ngày càng lan rộng. Hàng chục vụ vỡ đê nước tràn vào nhiều vùng sản xuất, khu dân cư ở các tỉnh như, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng… đã xảy ra.

Nước lên tới đâu, thiệt hại tới đó

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, nước lũ kết hợp với triều cường đã làm cho 145 bờ bao bị tràn, 31 bờ bao bị vỡ, 55 đập bị tràn và hơn 30 đập bị vỡ. Ước thiệt hại cho các công trình thủy lợi, vườn cây ăn trái… là gần 5 tỷ đồng.

Các lực lượng đang ứng cứu đê Cồn Khương, quận Ninh Kiều TP. Cần Thơ. Các lực lượng đang ứng cứu đê Cồn Khương, quận Ninh Kiều TP. Cần Thơ.

Tại Hậu Giang, gần 100ha mía bị mất trắng, gần 2.000ha mía đang thiệt hại từng ngày nếu thu hoạch không kịp. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang cho biết: Dù đã triển khai hệ thống đê bao chống lũ, nhưng một số diện tích chưa khép kín nên bị ngập làm ảnh hưởng đến diện tích trồng mía ở huyện Phụng Hiệp. Chính quyền và các nhà máy đường đang thực hiện nhiều giải pháp để kịp thời hỗ trợ nông dân khẩn trương thu hoạch diện tích mía đang bị ngập úng. Tới đây, tỉnh này sẽ triển khai thêm các công trình thủy lợi để bảo vệ cây mía cho nông dân trong các mùa vụ tới.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều TP. Cần Thơ cho biết: Đợt triều cường vừa qua, đỉnh triều cao nhất trên sông Hậu và các sông, rạch tại TP. Cần Thơ lên cao từ 2m đến 2,05m vào các ngày 25, 26, 27/10/2018, cao hơn mức báo động III từ 0,1m đến 0,15m. Hiện tại, địa phương tập trung khảo sát để nắm bắt tình hình, tìm giải pháp tốt nhất, khắc phục thiệt hại do triều cường gây ra, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.

Vỡ đê bao và sạt lở là 2 nỗi lo của người dân ĐBSCL khi đối diện với đợt triều cường trong năm. Các chuyên gia nhận định, sạt lở ở các sông ĐBSCL thường lớn hơn so với các khu vực khác do địa hình, địa chất...

Tập trung ứng cứu

Theo nhận định của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân sạt lở tràn lan ở ĐBSCL là do việc xây dựng các công trình hạ tầng, nhà ven sông và ven biển gia tăng; các tuyến đê bao, bờ bao xây dựng không có quy hoạch đã thu hẹp không gian trữ, thoát lũ. Dự báo, từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 12/2018, khu vực hạ lưu sông Cửu Long tiếp tục chịu ảnh hưởng của các đợt triều cường, với mực nước tương đương và cao hơn mực nước triều cường lịch sử tại một số trạm đợt giữa tháng 10.

Tổng cục Phòng chống thiên tai yêu cầu, các địa phương cần chủ động di dời các hộ dân ra khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực nguy cơ sạt lở, vùng bị ngập sâu.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa có công văn hỏa tốc do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường ký gửi các tỉnh tại khu vực ĐBSCL và các bộ, ngành liên quan đề nghị phối hợp triển khai khắc phục hậu quả lũ và ứng phó với triều cường.

Theo đó, các tỉnh, thành phố ở vùng bị ảnh hưởng triều cường tổ chức cắm biển báo, phân luồng, hướng dẫn giao thông; đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, phòng chống điện giật, đuối nước… tránh tình trạng chủ quan, nhất là tại khu vực đông dân cư bị ngập nước. Chủ động gia cố các khu vực có hệ thống đê bao, bờ bao thấp; vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước tại các khu dân cư, nơi có diện tích cây ăn trái, khu vực nuôi trồng thủy sản bị ngập...

NHƯ TÂM