Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đổi thay ở vùng chiến khu xưa

Tấn Sỹ - Thanh Huyền - 22:13, 31/08/2020

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, những địa danh ở miền núi Quảng Nam như: Phước Trà, Nước Oa, mật khu Đỗ Xá Nước Là… đã đi vào sử sách. Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống của đồng bào vùng chiến khu xưa ngày càng khởi sắc.

Một góc khu căn cứ Nước Là thuộc huyện Nam Trà My ngày nay.
Một góc khu căn cứ Nước Là thuộc huyện Nam Trà My ngày nay.

Rút ngắn khoảng cách

Trở lại vùng đất trước đây là khu căn cứ Nước Là, ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cán bộ lão thành cách mạng, vui mừng trước sự đổi thay lớn của vùng đất này. Bởi mới năm nào thôi, ông Tập cùng tập thể lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã rất trăn trở, đặt ra nhiều kế hoạch, mục tiêu và giải pháp để phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, được xác định là nhiệm vụ hàng đầu.

Ông Tập nói, giờ không chỉ đường ô tô thông suốt từ tỉnh lỵ đến huyện Nam Trà My, mà cả 10 xã đều có đường ô tô đến trung tâm. Rồi điện thắp sáng, nước sinh hoạt, trụ sở làm việc, trường học, trạm xá… Xã nào ông đến cũng đều thấy rất khang trang, sạch đẹp.

Không chỉ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế ở khu căn cứ Nước Là, 5 năm qua, Nam Trà My đã đầu tư trên 1.500 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương trong toàn huyện, tạo nên diện mạo mới cho nhiều bản làng vùng cao dưới chân núi Ngọc Linh. Nhiều tuyến đường được đầu tư mới như: Tăk Pong - Tăk Ngo; Trà Linh - Măng Lùng; Măng Lùng - Đăk Lây… đã và đang tạo nên cú huých lớn trong giảm nghèo cho bà con Xơ Đăng ở vùng chiến khu Nước Là.

Theo ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 8,3%/năm, vượt chỉ tiêu tỉnh giao cũng như huyện phấn đấu. Huyện cũng đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, thu hút doanh nghiệp, phát triển sâm Ngọc Linh, dược liệu quế Trà My và các loại cây ăn quả khác… để giúp bà con các xã An toàn khu phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững hơn. Huyện phấn đấu giảm hộ nghèo xuống dưới 25% vào năm 2025 và tranh thủ mọi nguồn lực, huy động sức dân để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng đến thôn, nóc để rút ngắn dần khoảng cách giữa huyện đến 115 khu dân cư trên địa bàn.

Chính sách đặc thù vùng chiến khu xưa

Huyện Hiệp Đức có 3 xã vùng cao là Phước Gia, Phước Trà và Sông Trà. 5 năm qua, địa phương đã dành hơn 150 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, góp phần lớn cho thay đổi diện mạo của các xã An toàn khu.

Ông Nguyễn Như Công, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, từ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện đã tập trung đầu tư cho 3 xã vùng chiến khu xưa. Quan điểm của huyện là, phải hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo nơi đây xuống dưới 20% vào năm 2020 và giảm mạnh vào năm 2025. Trong đó, phấn đấu đưa xã Sông Trà hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới.

“Hiện nay, Hiệp Đức đã ban hành chương trình đặc biệt đầu tư cho vùng An toàn khu. Kêu gọi được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào 3 xã vùng cao. Tin rằng trong tương lai, vùng chiến khu này sẽ thật sự thay da đổi thịt, cuộc sống của người dân sẽ sang một trang mới”, ông Công cho biết thêm.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: Trong chiến tranh, đồng bào vùng DTTS và miền núi đã hy sinh nhiều cho Đảng, cho cách mạng. Giờ hòa bình lập lại và trong công cuộc dựng xây đất nước hôm nay, các cấp chính quyền cần quan tâm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn vào miền núi, để đồng bào có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ.

Sau 75 đón Tết độc lập, cuộc sống của hàng vạn bà con DTTS ở các vùng chiến khu xưa giờ đã đổi mới, phát triển. Và trong tương lai không xa, cuộc sống của bà con sẽ tiếp tục được nâng cao khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình khác dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi...

Sau 75 năm đón Tết độc lập, cuộc sống của hàng vạn bà con DTTS ở các vùng chiến khu xưa giờ đã đổi mới, phát triển. Và trong tương lai không xa, cuộc sống của bà con sẽ tiếp tục được nâng cao khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình khác dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi...