Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đổi thay ở những buôn làng

Thùy Dung - 19:35, 15/02/2023

Sau nhiều năm xây dựng “Làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS”, kết quả nổi bật nhất là bộ mặt các làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều khởi sắc, đời sống của Nhân dân các dân tộc ngày càng được nâng lên.

Một góc làng Đê Ktu (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, Gia Lai)
Một góc làng Đê Ktu (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, Gia Lai)

Ghé thăm làng Đê Ktu ở thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang, Gia Lai), đúng thời điểm người làng tất bật trong đợt tưới cà phê. Đón chúng tôi ở nhà Rông của làng, Trưởng thôn Tril vui mừng chia sẻ: “Dịch Covid-19 đi qua, Nhân dân khắp các làng cũng đã an tâm làm ăn rồi. Tháng 10/2022 vừa qua, làng Đê Ktu đã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong vùng đồng bào DTTS nên bà con cũng phấn khởi lắm".

Làng Đê Ktu với gần 100% hộ là đồng bào dân tộc Ba Na. Thời gian qua, với sự đoàn kết, Nhân dân làng Đê Ktu luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội mà các cấp, chính quyền tin giao.

Đặc biệt, từ chủ trương xây dựng làng NTM, bộ mặt của làng đã có nhiều thay đổi, nhà văn hóa được tu sửa khang trang, đầy đủ. Các tuyến đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa… Người dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2021 là 41 triệu đồng/người/năm. Nhờ vậy, đến tháng 10/2022, làng Đê Ktu đã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM trong vùng đồng bào DTTS. Từ khó khăn vươn lên, làng Đê Ktu đã có nhiều tấm gương sáng trong việc phát triển kinh tế, như gia đình chị Đinh Thị Thoan, gia đình Trưởng thôn Tril…

Chia sẻ về câu chuyện làm kinh tế, chị Thoan nói: “Kinh tế gia đình tôi chỉ thực sự khá lên từ khi gia đình biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Ngoài việc trồng lúa, gia đình tôi trồng thêm 1 ha cà phê và nuôi heo. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình mỗi năm khoảng 130 triệu đồng, năm 2018 gia đình chúng tôi đã thoát nghèo”.

Trưởng thôn Tril ở làng Đê Ktu là một tấm gương sáng trong việc làm ăn phát triển kinh tế tại địa phương
Trưởng thôn Tril ở làng Đê Ktu là một tấm gương sáng trong việc chăm chỉ lao động, phát triển kinh tế hộ tại địa phương

Tương tự, gia đình của Trưởng thôn Tril, cũng là một trong những hộ tích cực và làm kinh tế của làng. Hiện nay, gia đình ông Tril có 1,5 ha cà phê, 5 con bò, 2 sào lúa, 3 sào bời lời… “Ngày trước, diện tích đất phần lớn là trồng lúa, sau này gia đình mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, bời lời… Nhờ vậy, kinh tế gia đình rất ổn định, có tiền nuôi con đi học, xây dựng nhà cửa khang trang và mua máy móc, xe cộ phục vụ việc sản xuất của gia đình”, Trưởng thôn Tril phấn khởi chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kon Dơng cho biết: Thời gian tới, địa phương tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các làng tập trung xây dựng NTM nâng cao. Lấy mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân làm mục tiêu trọng tâm. Đồng thời, xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển nông thôn từng bước hiện đại theo quy hoạch gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ, thương mại. Nâng cao bản sắc văn hóa, dân trí và giữ gìn môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp”.

Tại xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, sau gần 5 năm xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào DTTS và Đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phú Thiện giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Đề án), đã giúp đời sống của người dân từng bước thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao được hình thành, có sức lan tỏa, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Chị Đinh Thị Ret ở làng Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (Gia Lai) chăm sóc vật nuôi của gia đình
Từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, chị Đinh Thị Rét ở làng Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện đầu tư phát triển hiệu quả mô hình chăn nuôi

Đến thăm gia đình chị Đinh Thị Rét, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ làng Pông. Chị Rét là một trong những tấm gương người DTTS tích cực thay đổi nếp nghĩ, cách làm điển hình của làng, được người dân học tập, tin nghe. Chị Rét chia sẻ: Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhà cửa của Nhân dân ở làng được quy hoạch ngăn nắp, chuồng trại được di dời ra xa nhà cửa. Các tuyến đường được bê tông hóa phục vụ việc đi lại và thu mua nông sản của người dân, nhờ vậy mà giá trị hàng hóa cũng được nâng cao. 

"Người dân được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi, như vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế gia đình. Hộ nghèo được nhận vật nuôi, cây giống, được trao tặng bảo hiểm y tế, con trẻ được đến trường học cái chữ… Nhờ đó đời sống của gia đình chị, cũng như người dân ngày càng tiến bộ, phát triển", chị Rét phấn khởi thông tin.

Nhờ các chương trình, chính sách dân tộc mà điểm trường mẫu giáo ở làng Pông được đầu tư khang trang, sạch đẹp
Nhờ các chương trình, chính sách dân tộc mà điểm trường mẫu giáo ở làng Pông được đầu tư khang trang, sạch đẹp

Gia đình ông Nay Jang cùng ở làng Pông, là một trong những hộ nghèo được thụ hưởng các chính sách dân tộc, được vay vốn Ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế gia đình, nhờ vậy năm 2018 gia đình ông đã thoát nghèo. Ông Nay Jang phấn khởi cho biết: “Ngày trước, gia đình rất nghèo vì không có nguồn lực để vươn lên phát triển. Sau này tôi được các cán bộ vận động vay vốn, từ đó gia đình đầu tư trồng lúa 2 vụ, nuôi thêm bò. Nhờ vậy, gia đình tôi mới thoát nghèo, đồng thời có tiền để cho con cái đi học cái chữ. Tôi rất biết ơn các cấp, chính quyền đã quan tâm và giúp đồng bào chúng tôi vươn lên”.

Trước những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn 1, năm 2021, huyện Phú Thiện tiếp tục triển khai Đề án giai đoạn 2 (2021 - 2025) với những phương án hỗ trợ sản xuất, sinh kế, định hướng trồng cây điều, mì cao sản; đồng thời, tăng cường đào tạo nghề nông thôn để thay đổi cách nghĩ, cách làm, đa dạng trong lựa chọn nghề nghiệp của người dân.

Nhờ sự chung tay của các các cấp, chính quyền trong việc lồng ghép các chương trình dự án và sự nỗ lực của người dân mà bộ mặt NTM ở làng Pông ngày càng khởi sắc
Nhờ sự chung tay của các các cấp, chính quyền trong việc lồng ghép các chương trình dự án và sự nỗ lực của người dân, diện mạo các buôn làng vùng DTTS ngày càng khởi sắc

Ông Trần Quang Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện cho biết: Khi triển khai thực hiện xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào DTTS đời sống Nhân dân cũng được nâng lên rõ rệt. Người dân được hỗ trợ di dời, bố trí lại nhà cửa, dân cư, được các cấp, ngành chuyển giao những tiến bộ khoa học - kỹ thuật như giống mì, mía và vật nuôi như bò, dê, heo. Khi đã tiếp cận các tiến bộ, bà con đã áp dụng vào mô hình sản xuất kinh doanh của gia đình. 

Đồng thời, xã cũng hỗ trợ người dân phát triển thêm nhiều mô hình như mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình như trồng cây ăn trái, mô hình nuôi heo đất tiết kiệm… Nhờ vậy, họ đã thay đổi được nếp nghĩ cách làm, tiết kiệm, chăm chỉ làm ăn để phát triển kinh tế gia đình.

“Thời gian tới, địa phương sẽ huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên phát triển sản xuất; thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để xây dựng làng NTM, phấn đấu xây dựng xã Chư A Thai đạt chuẩn NTM vào năm 2025”, Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai cho biết thêm.