Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đổi thay ở làng 4 không

PV - 10:46, 14/01/2019

Giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, có một thôn với 300 hộ, hơn 2.000 nhân khẩu-chủ yếu là đồng bào DTTS (Mông, Dao, Tày, Nùng…) di cư từ phía Bắc vào từ hàng chục năm nay. Địa phương này từng một thời không đường, không điện, không trạm, không hộ khẩu… tách biệt như “ốc đảo” giữa núi rừng. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước…

Gia đình anh Hoàng Văn Tuấn ở thôn Bình Lợi có nguồn thu nhập cao từ trồng cà phê. Gia đình anh Hoàng Văn Tuấn ở thôn Bình Lợi có nguồn thu nhập cao từ trồng cà phê.

Xóa thế “ốc đảo”

Địa phương mà chúng tôi nói đến là thôn Bình Lợi, xã Cư M’lan (huyện Ea Súp, Đăk Lăk), nơi cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột hơn 100 cây số. Gần 5 năm trước, chúng tôi về Bình Lợi; khi đó thôn nghèo “nhiều không” ám ảnh chúng tôi với những dãy nhà tranh vách nứa. Vào mùa mưa, không có cầu nên Bình Lợi bị tách biệt khi nước suối dâng cao.

Trung tuần tháng 12/2018, nhận lời mời của anh Lê Hồng Hạnh, Bí thư Huyện đoàn Ea Súp tham dự Lễ khởi công xây dựng cầu dân sinh cho thôn. Bon bon trên con đường phẳng lì từ trung tâm huyện về Bình Lợi, thật bất ngờ với đổi thay vùng đất khó bởi, trước mắt là những vườn cao su, bạch đàn, cà phê, hồ tiêu, điều… nối nhau dọc hai bên đường. Vào đến thôn, những dãy nhà tranh vách nứa năm nào đã thay vào đó là ngôi nhà gỗ, nhà xây kiên cố, điện được kéo vào tận nóc nhà, xe máy, xe tải vào ra nhộn nhịp, quả thật Bình Lợi hôm nay khác xưa nhiều quá…

Đúng 4 giờ chiều, Lễ khởi công xây cầu diễn ra trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền huyện, xã và đông đảo người dân thôn Bình Lợi. Khuôn mặt ai nấy cũng tươi vui, phấn khởi khi mong ước có một cây cầu nối liền bờ vui bấy lâu nay đã thành hiện thực.

Ông Bàng Seo Quý (55 tuổi), dân tộc Dao, người dân thôn Bình Lợi háo hức chia sẻ: “Từ nay mình không phải lội suối nữa rồi. Nhà mình có gần 1ha đất bên kia suối, mỗi lần canh tác, thu hoạch nông sản mình phải oằn lưng vác từng bao sắn, bắp lội suối rất vất vả. Gặp ngày mưa, con nước lớn không qua được, lỡ cả mùa vụ. Tết này có cầu mới đi, mình vui lắm”.

Theo anh Lê Hồng Hạnh, Bí thư Huyện đoàn Ea Súp, vào mùa mưa, thôn Bình Lợi gần như bị chia cắt hoàn toàn vì chưa có cầu dân sinh; một số người dân “liều” bơi, lội sang suối rất nguy hiểm. Nhận thấy nhu cầu xây cầu dân sinh rất khẩn thiết, Huyện đoàn đã gửi thư ngỏ và được CLB VietNam Smile (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ 200 triệu đồng để xây cầu. Dự tính trong vòng 1 tháng, cầu sẽ xây xong, kịp phục vụ nhu cầu vui Xuân đón Tết Kỷ Hợi của bà con.

Đổi thay ở làng 4 không

Chiếc cầu dân sinh được xây dựng đang đưa Bình Lợi gần hơn với các địa phương khác của huyện Ea Súp. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng từ nhiều nguồn lực khác nhau, thôn Bình Lợi, một địa bàn từng một thời tách biệt đã khoác lên mình chiếc áo mới.

Ông Lý Tòn Chuống, Trưởng thôn Bình Lợi cho biết, so với mặt bằng chung, thôn vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng nếu so với những năm mới lập làng, Bình Lợi đã thực sự “thay da đổi thịt”.

Ông Chuống kể: 18 năm về trước, vùng đất này còn hoang sơ, nằm hút sâu trong rừng già thuộc địa phận xã Cư M’lan (huyện Ea Súp). Khi ấy có khoảng 20 hộ dân Mông, Mường di cư từ phía Bắc vào lập làng. Người dân sống khép kín tự cung tự cấp, biệt lập với thế giới bên ngoài nên nhiều người gọi là, làng 4 không. Cái nghèo, cái đói cứ thế bám chặt vào từng nếp nhà.

Năm 2011, UBND huyện Ea Súp quyết định thành lập thôn Bình Lợi, trên cơ sở làng cũ. Người dân bắt đầu được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Từ năm 2011 đến nay, Nhà nước đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, các công trình phúc lợi thiết yếu như: Đầu tư làm mới 20km đường cấp phối từ trung tâm huyện Ea Súp vào thôn Bình Lợi. Các ban ngành huyện cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân đã xây dựng được 3 điểm trường với 2 lớp học mầm non, 3 lớp tiểu học và 2 lớp trung học cơ sở, tạo điều kiện cho trẻ em đến trường, điện lưới cũng đã được kéo về thôn… Cuộc sống của người dân Bình Lợi nhờ thế đi lên từng bước.

Anh Hoàng Văn Tuấn (sinh năm 1991, quê gốc Cao Bằng) cho hay: Nhà có 5 sào cà phê đang cho thu hoạch. So với mọi năm, vụ cà phê này trái ít, song thu hết cũng được 7 tạ. Tết này không riêng tôi, gia đình nào cũng được no đủ. Ai có điều kiện thì sắm nhiều còn không thì vẫn chuẩn bị bánh chưng, bánh tét, rượu thịt để đón Tết Cổ truyền...

Có thể thấy, cuộc sống của người dân thôn Bình Lợi từng bước đổi thay thoát khỏi khó khăn khi được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ. Tên gọi làng 4 không… đã là quá khứ.

ĐĂNG QUANG