Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đổi mới ở vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận

Thái Sơn Ngọc - 09:31, 10/02/2023

Ông Bá Bình Yên - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận phấn khởi chia sẻ niềm vui năm 2022 vừa qua, tỉnh Ninh Thuận có nhiều thành tựu kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc. Đời sống vùng đồng bào các DTTS nói chung, đồng bào dân tộc Chăm nói riêng phát triển theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững. Bà con đồng thuận, chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Nghệ nhân chế tác gốm Chăm tham gia Hội thi bàn tay vàng làng gốm Bàu Trúc
Nghệ nhân chế tác gốm Chăm tham gia Hội thi bàn tay vàng làng gốm Bàu Trúc

Tin vui đầu năm mới

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 19.239 hộ/85.343 khẩu, đồng bào dân tộc Chăm, chiếm 11% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung tại 35 thôn, khu phố trên địa bàn 13 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, thành phố. Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận còn gìn giữ nhiều nghi lễ, làng nghề truyền thống. Đặc biệt là dấu mốc ngày 29/1/2022, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Người dân làng gốm Bàu Trúc nói riêng, đồng bào Chăm nói chung rất phấn khởi, tự hào về nghệ thuật làm gốm của dân tộc mình.

Anh Đàng Chí Quyết - Trưởng khu phố Bàu Trúc phấn khởi cho biết, toàn làng Bàu Trúc (tên cũ) hiện có trên 600 hộ dân gắn bó với nghề làm gốm kết hợp canh tác 192 ha ruộng lúa. Thiếu nữ người Chăm độ tuổi từ 14 - 15 trong làng Bàu Trúc đều phải học nghề làm gốm, mẹ truyền con nối. Các nghệ nhân làng Bàu Trúc có khả năng chế tác nhiều loại sản phẩm gốm theo nhu cầu thị trường và theo đơn đặt hàng của khách hàng. Từ gốm mỹ nghệ như tượng nữ thần Apsara, phù điêu trang trí nội thất, bình nước phong thủy đến các vật dụng gốm cần thiết cho đời sống thường ngày của cư dân phương Nam như ấm đất, khuôn đổ bánh căn, bánh xèo, lu đựng nước, nồi đất, lò đun than củi.

Khi nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, bà con làng nghề rất vui mừng và tự hào. Bà con tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường gốm Chăm trong và ngoài nước.

Cô gái Chăm giới thiệu sản phẩm gốm Bàu Trúc
Cô gái Chăm giới thiệu sản phẩm gốm Bàu Trúc

Trong những năm qua, bà con nông dân người Chăm tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây măng tây xanh, áp dụng mô hình canh tác VietGAP, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tại làng Tuấn Tú (xã An Hải), Thành Tín (xã Phước Hải) hiện có trên 120 ha diện tích trồng măng tây xanh. Đây là loài cây được mệnh danh "rau vua” cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Gặp lại ”nữ tướng” măng tây xanh Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Châu Rế trên cánh đồng rau, chị phấn khởi cho biết, với diện tích 20 ha măng tây canh tác theo mô hình cánh đồng lớn, các hộ thành viên thu hoạch trung bình từ 200 - 300 kg/ngày, bán cho HTX thu mua với giá 45.000 đồng/kg. Sản phẩm măng tây xanh thương hiệu Châu Rế đạt chuẩn VietGAP được phân phối ra các tỉnh trong cả nước. Riêng gia đình chị Xéo canh tác 8 sào măng tây xanh kết hợp chăn nuôi 6 con bò và 35 con dê, cho thu nhập trung bình trên 300 triệu đồng/năm. Chị Xéo được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Chị Châu Thị Xéo (ngoài cùng bên phải) thu hoạch cây măng tây xanh cho thu nhập cao.
Chị Châu Thị Xéo (ngoài cùng bên phải) phân loại, đóng gói rau măng tây xanh để cung cấp ra thị trường

Những năm qua, bà con vùng đồng bào Chăm đã đóng góp hàng chục tỷ đồng và hiến hàng chục ngàn mét vuông đất chung tay cùng chính quyền xây dựng 11/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Nhiều gia đình đầu tư nuôi dạy con cái học hành thành đạt, nhiều người đỗ đạt, có học hàm, học vị cao, tích cực góp phần xây dựng thôn xóm vùng đồng bào Chăm ngày càng phát triển. Đơn cử, PGs.Ts. Trương Văn Món ở làng Chăm Bàu Trúc, giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Ông đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Chăm trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Nam Bộ.

Đổi mới vùng đồng bào Chăm

Trở lại các làng Chăm của huyện Ninh Phước vào những ngày mùa Xuân, chúng tôi ghi nhận không khí lao động, sản xuất của bà con diễn ra sôi nổi. Nghệ nhân các làng nghề Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp vẫn cần mẫn sáng tạo ra nhiều sản phẩm đồ gốm và thổ cẩm chất lượng cao, phục vụ nhu cầu mua sắm quà lưu niệm của du khách tham quan trong mùa Xuân mới.

Ninh Phước là huyện có đồng bào Chăm sinh sống đông nhất tỉnh Ninh Thuận. Toàn huyện hiện có 11.157 hộ đồng bào Chăm với 51.000 nhân khẩu sinh sống tập trung tại 22 thôn, khu phố thuộc địa bàn 7 xã, thị trấn. Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển, đưa đời sống kinh tế, văn hóa của vùng đồng bào Chăm ngày càng khởi sắc.

Hiện nay, ngoài nguồn thu nhập sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống, đồng bào Chăm ở Ninh Phước còn có nguồn thu từ trồng lúa và các loại cây trồng chủ lực theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao như nho, táo, măng tây xanh kết hợp chăn nuôi gia súc. Tính đến cuối năm 2022, nông dân huyện Ninh Phước có thu nhập bình quân đầu người đạt 64,45 triệu đồng, vượt 0,32 triệu đồng so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 3,48%, giảm 2,03% so với cuối năm 2021. Các nông hộ đồng bào Chăm như Hùng Ky ở xã An Hải, Châu Thị Xéo ở xã Phước Hải, Nại Lưu Katê ở xã Phước Hậu... nêu gương sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu.

Nghệ nhân làng Mỹ Nghiệp dệt thổ cẩm Chăm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.
Nghệ nhân làng Mỹ Nghiệp dệt thổ cẩm Chăm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.

Số liệu ”biết nói” quan trọng trong năm 2022 là số hộ nghèo ở các xã vùng đồng bào Chăm giảm thấp hơn 1 - 2% so với tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ninh Phước. Đơn cử, xã Phước Hậu có 4.559 hộ dân, trong đó có 89 hộ nghèo, chiếm 1,98%; Phước Thuận có 4.737 hộ dân, trong đó có 92 hộ nghèo, chiếm 1,94%; Phước Hữu 4.575 hộ dân, trong đó có 118 hộ nghèo, chiếm 2,58%...

Ông Bạch Văn Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết, nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên thu nhập bình quân đạt 196,5 triệu đồng/ha. Nhiều loài cây kinh tế chủ lực như nho, táo, măng tây xanh đem lại nguồn thu đáng kể, nâng cao đời sống đồng bào Chăm địa phương, diện mạo nông thôn mới ngày càng phát triển bền vững. Mục tiêu của huyện Ninh Phước năm 2023 phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên 71,43 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,48%; chăm lo nâng cao chất lượng cuộc sống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện...

Một góc nông thôn mới vùng đồng bào Chăm xã Phước Thái, huyện Ninh Phước.
Một góc nông thôn mới vùng đồng bào Chăm xã Phước Thái, huyện Ninh Phước.

Ông Bá Bình Yên - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Toàn tỉnh huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, tạo động lực phát triển nâng cao đời sống vùng đồng bào Chăm ngày càng phát triển nhanh, bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.